Theo kết quả khảo sát về hiện trạng lao động, việc làm và tình trạng tiếp cận chính sách lao động, việc làm, mức độ và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của lao động phi chính thức ở Hà Nội, Nghệ An của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có 70% lao động phi chính thức không biết đến các chính sách lao động, việc làm; hơn 40% người lao động tự do chưa bao giờ nghe nói đến bảo hiểm xã hội tự nguyện; chỉ có 21% biết đến chính sách này. Bên cạnh đó, có hơn 56% lao động trong khu vực phi chính thức không muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Sau gần 10 năm phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện chỉ có 237 nghìn người tham gia. Số người tham gia chủ yếu là người đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được một số năm và họ tiếp tục đóng để được hưởng lương hưu khi về già. Điều đáng nói, vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, người lao động tự tạo việc làm, giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, số người lao động khu vực chính thức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, rời khỏi hệ thống an sinh xã hội cũng đang gia tăng, từ đầu năm đến nay đã có gần 600 nghìn người.
Để hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến tại hội thảo kiến nghị sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng linh hoạt. Đồng thời cần phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương trong đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện, từ đó vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.