Quốc dân Đại hội Tân Trào. (Tranh minh họa) |
Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi sục, cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam. Người cân nhắc rất kỹ giá trị của thời gian, mỗi ngày, mỗi giờ trong lúc thời cuộc đại chuyển biến. Lúc bấy giờ, theo Người, chậm trễ là bỏ lỡ nhiều cơ hội thuận lợi.
Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, trước thời cơ có một không hai để giải phóng dân tộc, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15/8/1945 để quyết định phát động lệnh tổng khởi nghĩa và Quốc dân Đại hội cũng đã được tiến hành trong bối cảnh đó.
Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Đại hội Đại biểu Quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào) chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào). Đại hội được tiến hành khi lệnh tổng khởi nghĩa vừa phát đi, vì vậy phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu kịp về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.
Tại Đại hội, ba quyết định lớn đã được đưa ra:
- Một là, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh.
- Hai là, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
- Ba là, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Thường trực Ủy ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.
Đại hội bế mạc vào ngày 17/8/1945. Trong lễ bế mạc, ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!”.
Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa”: “... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra khẩn trương và thắng lợi trong đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc, đồng tâm nhất trí đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta ở một thời điểm thuận lợi nghìn năm có một. Thắng lợi đó là một biểu hiện sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa, xoá bỏ chế độ cũ, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, đặt cơ sở mang tính pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân sắp ra đời.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một chủ trương sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2” trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sắt đá của nhân dân cả nước đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một mốc son chói lọi, mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi cách mạng đã thành công”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Như vậy, kể từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919) đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (năm 1945), tư tưởng về xây dựng một Nhà nước pháp quyền trong Hồ Chí Minh đã được cụ thể hoá từng bước, với những việc làm cụ thể từ thấp đến cao, từng bước chuẩn bị tiền đề từ nhận thức đến hành động để đi đến thắng lợi cuối cùng.