Bí ẩn một huyền thoại từ lời nhắn của nhà báo Phạm Xuân Ẩn

(PLO) - Họ, có chung một bình phong. Họ, có chung một lý tưởng. Một khái niệm để lại đầy ẩn ý mà PLVN phải ghép lại từ những mảnh ghép rời rạc của nhiều nguồn khác nhau, để lý giải thêm về chặng đường đã đi qua trọn vẹn của một huyền thoại.
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
"Con sói cô độc"
Sau khi chiến tranh kết thúc, Hà Nội công bố: Nhà báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên hạng nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ngay lập tức, Murray Gart, thông tín viên trưởng của Time trong thời gian chiến tranh đã gào lên "Ông Ẩn là một kẻ đáng ghét. Tôi muốn giết ông ta!". Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp khác của ông thì bàng hoàng. Lý trí bảo họ phải tin vì Phạm Xuân Ẩn thừa tài năng để làm được điều đó. Nhưng trong lòng họ lại rất hồ nghi, bởi họ không dám nghĩ rằng một chiến sĩ cộng sản lại sống có trái tim nhân hậu với tất cả mọi người như vậy. 
Đã quá nhiều người biết và viết về ông với khả năng hài hước, luôn là trung tâm của mọi cuộc tranh luận nảy lửa về tin tức, về nghề nghiệp. Thú vị hơn nữa, mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện với ông, phóng viên nào cũng có một món quà tự mang về cho chính mình: khi thì là một bản tin chính xác nhất cho hãng, khi thì là khám phá mới về văn hoá Việt Nam, đôi khi lại còn là một bài học về cách làm người - sống để đức cho con cháu.
Nhờ đó, cánh phóng viên tuyệt đối tôn trọng ông. Ngay cả chính những phóng viên chiến trường lúc bấy giờ ở Việt Nam cũng đã nghiêng mình gọi ông là "nguồn cung cấp tin tốt nhất tại Sài Gòn" (Thomas A.Bass) khi cùng bàn luận tại quán cà phê Givral, nơi lần đầu tiên ông được phong "tướng" bởi những đồng nghiệp đủ mọi quốc tịch: "Tướng Givral".
H.D.S Greenway (thường được biết đến với cái tên David) là phóng viên có mặt ở Khe Sanh năm 1971, sau này nhớ lại: "Tôi chứng kiến nhiều người lính bị thương được đưa từ Lào về. Tôi mô tả họ như những người sống sót từ các đơn vị dẫn đầu cuộc tấn công", nhưng ông Ẩn nói không phải, "đơn vị dẫn đầu đã bị xoá sổ. Những gì anh đang chứng kiến là những người sống sót khi đang cố gắng hỗ trợ nhưng cũng bị thất bại. 
Tôi nghĩ lại về chuyện này: Có vẻ như ông Ẩn được thông tin khá chi tiết. Đó chính là sự đánh giá mà bạn chỉ có thể có được khi biết rõ cả 2 bên đang làm gì trong chiến đấu".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Trên thực tế, chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại thảm hại, khi quân đội Việt Nam Cộng hoà mở cuộc tiến công Lào với quy mô lớn năm 1971 thì Phạm Xuân Ẩn đang ở Sài Gòn. Chính ông là người đã đọc và chuyển về Hà Nội nội dung của chiến dịch Hạ Lào trước khi nó được thi hành. 
Còn với tư cách đồng nghiệp một người làm báo, ông đã cho Greenway một lời khuyên chính xác về bản chất của sự kiện. Lời khuyên có giá trị giữ gìn danh tiếng cho Greenway (người mà năm 1973 đã rời khỏi tờ Time và sau này trở thành biên tập viên của tờ Boston Globe), bởi cũng trong thời gian này, chính Jean Claude Pomonti cũng bị đánh lừa bởi "những thành công của chiến dịch" trong những bản tin mà phóng viên này chuyển về Pháp.
Đó chỉ mới là khúc gút của câu chuyện về nghề làm báo của Phạm Xuân Ẩn trong việc tôn trọng đồng nghiệp và tinh thần tương hỗ của những phóng viên, thông tín viên của các hãng lớn ở Sài Gòn đang có sự cạnh tranh khốc liệt về tin tức. Ông nói rằng, ông tuyệt đối tuân thủ "tinh thần thể thao" trong nghề nghiệp mà báo chí Mỹ đã dạy cho ông.
"Ai cũng biết khoác áo báo chí là một bình phong tốt nên bất kỳ cơ quan tình báo hay phản gián nào cũng muốn xây dựng bình phong này cho nhân viên của mình. Cũng vì thế mà một điệp viên khoác áo báo chí vào thì anh ta hôi sặc mùi điệp báo từ xa mà nhân viên an ninh cứ thế mà đánh hơi theo dõi", Phạm Xuân Ẩn viết lại.
Sau thời bình, trong lần thử phân tích về chính mình, chính Thiếu tướng Trần Văn Trung (tên trong lý lịch của thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn) đã nhìn nhận: "Điệp viên phải có tính kỷ luật cao, nhất là kỷ luật tự giác vì anh ta hoạt động đơn độc, không có ai bên cạnh kiểm tra cả. Thiếu kỷ luật thì dễ chủ quan dễ buông lỏng nguyên tắc, dễ mất cảnh giác và cuối cùng là dễ bị bắt.
Mà nếu đã bị bắt, điệp viên chỉ còn nước chọn: hoặc chết, hoặc khai. Bởi trong mọi đòn tra tấn, đòn tra tấn dành cho điệp viên tình báo bị bắt là khủng khiếp nhất: đánh cho khai, khai ít đánh cho khai nhiều, khai nhiều đánh cho khai hết. 
Thậm chí, kẻ thù không từ bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí dùng thuốc độc khiến điệp viên khi ra khỏi nhà tù trở nên thần trí bất thường. Việc thoát khỏi nhà tù do may mắn hay được tổ chức đào thoát là cực kỳ hãn hữu".
Phạm Xuân Ẩn chẳng sợ gì Mỹ, giữ "căn bệnh" thích chửi Mỹ. Tài ở chỗ, chửi nhiều thế mà ông chưa bao giờ chửi sai, và cũng chưa xúi ai chửi sai, chưa từng viết một dòng thông tin nào sai lên mặt báo, dù là với Reuters, The NewYork Herarld Tribune, The Christian Science Monitor hay Time Magazine.
Điều đó đã được chính David Greenway khẳng định khi Time phải lục tung các bài báo Phạm Xuân Ẩn đã viết trong 11 năm làm phóng viên cho tạp chí: "Chúng tôi nghĩ đây là chuyện đùa... Những người biên tập viên của tờ báo Time đã không nghe chúng tôi. Không có phóng viên nào trong tờ báo Time đã thao túng tin tức. Ông ấy không có sự may mắn nào hơn chúng tôi", khi một vài đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn buộc tội ông là đã thao túng những tin tức và những câu chuyện trên tạp chí Time với tư cách là "nhân vật có ảnh hưởng", khi biết ông là điệp viên của Hà Nội.
Còn Richard Pyle, cựu Tổng biên tập của tờ A.P Sài Gòn thì nhìn nhận thẳng thắn: "Ông Ẩn còn cứu tờ Time khỏi sự khó xử vì đã xuất bản những câu chuyện sai sự thật. Đó là sự tài tình của ông ấy... Không tiết lộ làm thế nào mà ông ấy biết hay không biết điều gì, ông ấy sẽ cho anh biết anh có đi đúng đường không".
Tất nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể thừa nhận sự thật rằng, đồng nghiệp mà họ ngưỡng mộ lại là một điệp viên cao cấp của phía bên kia, đặc biệt với những người làm nghề mà giới phương Tây vẫn xem là độc lập (tương đối) và thường được mệnh danh là Quyền lực thứ Tư này.
Đó cũng như chính điều mà Thomas A. Bass, báo The New Yorker đã viết: "Ẩn là một người "Việt Nam thầm lặng". Ông nói rằng ông không bao giờ dối ai, rằng ông cung cấp cho báo Time chính những bài phân tích chính trị mà ông đã gửi cho ông Hồ Chí Minh. Ông là con người bị xẻ đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối nhưng lại luôn nói sự thật."
Hơn hết thảy, Frank McCulloch, Tổng biên tập tờ Time ở châu Á, người đã thuê ông Ẩn làm việc cho tạp chí Time đã nhìn thấu suốt mọi câu chuyện: "Liệu tôi có giận dữ khi biết câu chuyện về ông ấy? Hoàn toàn không. Tôi nghĩ đó là Tổ quốc của ông ta. Nếu ở vào hoàn cảnh như vậy, tôi sẽ làm điều tương tự".
Trong một di cảo để lại không có nhiều người có may mắn được tiếp xúc, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đưa ra một khái niệm "Alone wolf" (con sói cô độc), khi mô tả khái quát công việc của một điệp viên. Chúng tôi cũng đã từng dịch nguyên nghĩa khái niệm này, như cách hiểu thông thường là một điệp viên chỉ như một con sói, luôn cô độc, chỉ biết đánh hơi và săn tìm. 
Nhưng sự thật đó dường như chỉ mới là một nửa, cho đến khi nhận được sự xác tín từ một người từng gần gũi ông nhiều năm, gần đây, cho biết rằng ông Ẩn đã từng đưa ra một cuốn sách rất dày và dặn: "Hãy đọc cuốn sách này, và hãy học con người này".
"Ông Phạm Xuân Ẩn rất thán phục sự trung thành với lý tưởng và nhân cách sống của người viết cuốn sách đó", nguồn tin xác nhận. Một điều hiếm có.
Cuộc đời trùm tình báo Đông Đức
Markus Johannes Wolf (1923-2006), Thượng tướng an ninh quốc gia CHDC Đức, sinh ngày 19/1/1923 ở Hehingen, Wutemberg. Cha ông, Friedrich Wolf, đảng viên Đảng Cộng sản Đức, là một người đa tài: nhà soạn kịch nổi tiếng người Do Thái, nhà thơ và nhà văn, bác sĩ và người biện giải cho lối sống lành mạnh, nhà cách mạng và chiến sĩ cộng sản. Ông có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến các con và là tấm gương để các con noi theo. 
Còn ông: Markus Wolf, chưa đầy 30 tuổi đã trở thành chỉ huy tình báo và cuối đời lại là một nhà văn.
 
Markus Wolf
 Markus Wolf
Với tư cách phóng viên thường trú của Đài phát thanh Berlin và tờ báo Berliner Zeitung, ông làm việc tại phiên toà Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh Đức quốc xã.
Sau khi nước CHDC Đức ra đời, năm 1949, ông đổi nghề và ở tuổi 26, Markus Wolf được bổ nhiệm làm Phó Đại sứ CHDC Đức tại Moskva. 
Tháng 12/1952, ở tuổi 29 Wolf được cử làm chỉ huy cơ quan tình báo đối ngoại đang được thành lập trong cơ cấu của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức Stasi. Năm 1986, khi Wolf về hưu, số lượng điệp viên ở nước ngoài của Tổng cục Tình báo HVA (Hauptverwaltung Aufklärung) thuộc Stasi đã là 1.500 người, chưa tính số nhân viên tình báo hoạt động dưới bình phong hợp pháp và nhiều điệp viên bảo đảm khác.
Dưới sự lãnh đạo của Markus Wolf, cơ quan tình báo đối ngoại CHDC Đức đã trở thành một trong những cơ quan tình báo hiệu quả nhất thời chiến tranh lạnh.
Bức tường Berlin sụp đổ, bản thân Wolf cũng không tránh khỏi nhà tù. Ông đã rời đi Liên Xô trước khi nước Đức thống nhất, nhưng sau đó vẫn quyết định quay về vì không muốn kết thúc cuộc đời trong cảnh lưu vong.
Markus Johannes Wolf (1923-2006), Thượng tướng an ninh quốc gia CHDC Đức, (bên phải ảnh)
 Markus Johannes Wolf (1923-2006), Thượng tướng an ninh quốc gia CHDC Đức, (bên phải ảnh)
Makus Wolf khi là một nhà văn.
 Makus Wolf khi là một nhà văn.
Wolf đã cố gắng hết sức để cứu các đồng chí, đồng nghiệp của mình, thậm chí đã viết thư cho Mikhail Gorbachev đề nghị tác động với lãnh đạo Tây Đức nhằm giải thoát các cán bộ các cơ quan tình báo CHDC Đức khỏi bị truy tố nhưng vô hiệu. 
Ngày 24/9/1991, khi đi qua biên giới CHLB Đức, Markus Wolf đã bị bắt vì tội phản bội tổ quốc và hoạt động gián điệp chống nước Đức. Tháng 12/1993, ông bị kết án 6,5 năm tù giam, nhưng sau đó được đổi thành án treo. 
Sau khi nước Đức thống nhất, ông đã xuất bản 5 cuốn sách như “Bạn bè không chết”, “Bộ ba”, “Theo nhiệm vụ của chính mình”,... trong đó có hồi ký gây tranh cãi “Người không lộ diện” (hồi ký được dịch sang tiếng Nga có tên là “Trận đấu trên sân khách”) cả cuốn “Bí mật nghệ thuật nấu ăn Nga”. 
Nhà tình báo huyền thoại thời chiến tranh lạnh đã rời khỏi cuộc đời chứa đựng cả một kỷ nguyên ở tuổi 83. Cuộc đời Markus Wolf là cuộc đời một con người đã cống hiến trọn đời cho niềm tin cộng sản, cho Nhà nước XHCN CHDC Đức. 
Ông đã chứng kiến và trải qua những vinh quang và cay đắng khi lý tưởng của ông bị phản bội và Nhà nước của ông bị tan vỡ. Tuy lo lắng cho tiền đồ của lý tưởng và đau lòng về những sai lầm, đổ vỡ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, trên hết ông vẫn trung thành với con đường mà ông đã chọn; vẫn thuỷ chung, che chở cho những đồng chí, những cán bộ điệp báo đã từng làm việc dưới quyền ông; những điệp viên đã cộng tác với ông bất chấp những khoản đô la kếch xù, hăm doạ, dụ dỗ mà CIA của Mỹ, BfV của Đức hay Mossad của Israel đưa ra để ông tiết lộ danh tính của họ; bất kể kẻ khác chỉ trích, phê phán ông là mù quáng và xa rời thực tế. 
Để hiểu thêm về tâm tư, trăn trở và con người Markus Wolf, xin trích vài dòng từ hồi ký “Người không lộ diện” của ông: “Vậy điều gì còn lại từ những lý tưởng của chúng tôi, từ những nỗ lực của chúng tôi nhằm biến CNXH thành hiện thực? Chúng tôi tin là mình đang đi theo những ý tưởng mà Marx và Engels đã nêu trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản... 
Chúng tôi đã thất bại, nhưng không phải vì chúng tôi đã áp dụng vào thực tiễn quá nhiều CNXH, mà bởi vì quá ít. Đó là niềm tin sắt đá của tôi... 
Chiến tranh lạnh đã kết thúc, một mô hình CNXH mà sự bắt đầu của nó gắn với những hy vọng lớn lao đã sụp đổ, nhưng tôi không đánh mất những lý tưởng của mình”.
Những mảnh ghép rời rạc lại từ cuộc đời 2 huyền thoại: Ông trùm tình báo Đông Đức Markus Johannes Wolf và lời dặn của huyền thoại tình báo Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn về một cuốn sách cần phải đọc, như vén lên bức màn còn quá nhiều bí ẩn, khi từ cuộc đời một ông trùm tình báo, qua câu chuyện đầy ẩn ngữ của một nhà báo - nhà tình báo, đã được chuyển nghĩa thành một khái niệm (Alone wolf), để thể hiện một lý tưởng mà họ suốt đời trung thành phục vụ.
Dòng họ của Markus Wolf, trong tiếng Anh cũng có nghĩa là "con sói". Suốt 20 năm, đối phương không thể có được bản ảnh về gương mặt ông, nên họ gọi ông là "Con sói trong bóng tối" và “Người không mặt”... Cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ, ông vẫn miệt mài tìm cách giải cứu các đồng đội của mình. 
Ông trở thành biểu tượng của niềm tin, lòng trung thành và tình chiến hữu của cơ quan tình báo Đông Đức huyền thoại một thời./.

Đọc thêm