72 người thiệt mạng, 30 người mất tích do mưa lũ

Tính đến 21h ngày 15/10, có 72 người chết, 30 người mất tích do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Trong đó, Hòa Bình có nhiều người thiệt mạng nhất, còn Yên Bái hiện có nhiều người mất tích nhất.  Về sự cố sạt lở đất vùi lấp tại xóm Khanh, đã tìm thấy thi thể 15 nạn nhân.
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong số người chết, Hòa Bình có 23 người, Thanh Hóa: 16 người, Yên Bái: 15 người, Nghệ An: 9 người, Sơn La: 6 người; Hà Nội: 2 người và Quảng Trị: 1 người.

Trong số người mất tích, Yên Bái có 13 người, Hòa Bình: 10 người, Thanh Hóa: 5 người và Sơn La: 2 người.

Mưa lũ ở các tỉnh còn khiến 33 người bị thương.

Riêng về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chiều 15/10, đã tìm được 13 thi thể nạn nhân, tiếp tục tìm kiếm 5 người mất tích. 

Thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ khiến 222 nhà bị sập đổ hư hỏng; 2.300 nhà di dời khẩn cấp; 49.402 nhà bị ngập; 9.300 con gia súc và 290.523 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Tuyến đường tỉnh lộ 166 đoạn Âu Lâu-Đông An tại Km 42+200 (Yên Bái) bị sạt lở gây ách tắc giao thông; Quốc lộ 6 đoạn ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu Hòa Bình) lưu thông gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút hết; Đường đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ (Sơn La) hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 2 mố); Quốc lộ 16 đoạn qua huyện Thường Xuân Km168-Km190, tỉnh lộ 521B tại Km18+300 xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tuyến đường tuần tra biên giới đoạn qua huyện Thường Xuân, Quan Sơn (Thanh Hóa) còn ách tắc, chưa thông tuyến. 

Thanh Hóa còn xã Trung Chính (Nông Cống) và một phần xã Yên Giang (Yên Định) vẫn bị cô lập.

Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ và yêu cầu ứng phó với bão số 11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các cấp, ngành và lực lượng chỉ đạo tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.  

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Khẩn trương xử lý các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, hệ thống điện trong đợt mưa lũ vừa qua để sẵn sàng ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo.

Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch; tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu đang bị ngập. Tiến hành rà soát thống kê thiệt hại, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp giống cây trồng, vật nuôi. 

Tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 11, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.

Đọc thêm