37 người chết, 40 người mất tích do mưa lũ

(PLO) - Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thống kê ban đầu, mưa lũ từ ngày 10/11 đến nay đã khiến 37 người chết và 40 người mất tích. Tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về hiện là Hòa Bình.
Nước tràn qua đê sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) vào tối 11/10. Ảnh: Bùi Oanh
Nước tràn qua đê sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) vào tối 11/10. Ảnh: Bùi Oanh

Theo báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay, số người thiệt mạng ở các tỉnh, gồm: Hòa Bình có 11 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 8 người, Sơn La 5 người, Yên Bái 4 người và Hà Nội 1 người. 40 người hiện chưa thấy tung tích và 21 người khác bị thương, đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Cũng theo thống kê ban đầu, mưa lũ trong những ngày qua cũng đã làm 217 nhà bị sập, 1.059 nhà bị hư hỏng, 16.740 nhà bị ngập, di dời 791 nhà, chủ yếu thuộc Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An.

Mưa lũ cũng gây sự cố đê điều tại tuyến đê tả Chu, đê bao Tế Nông, tả sông Yên, hữu sông Cầu Chày. Sáng nay 12/10, tiếp tục xảy ra sự cố đê hữu sông Cầu Chày tại vị trí cống Quan Hoa… 

Tính đến sáng nay, còn trên 8.071ha lúa bị ngập, thiệt hại, chủ yếu tại Hòa Bình và Ninh Bình. Diện tích ngô, rau màu, cây trông lâu năm và hàng năm các loại bị ngập lên tới trên 31.000 ha. Ngoài ra, gần 41.000 gia súc, gia cầm bị chết, nước lũ cuốn trôi...

Tại cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Đức Quang - Phó Chánh Văn phòng thường trực yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1533/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tiếp tục kiểm tra, phát hiện và tập trung xử lý kịp thời các hư hỏng về đê điều, hồ đập, nhất là các trọng điểm xung yếu để chuẩn bị cho các đợt mưa lũ tiếp theo.

Bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các trọng điểm, các ngầm tràn bị ngập lũ; các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông nhanh nhất.

Tiếp tục rà soát, huy động lực lượng triển khai sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, hạ du các hồ chứa; các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai việc di dời dân đến nơi an toàn đảm bảo an toàn.

Đọc thêm