Mưa lũ lớn ở thượng nguồn dồn nước về khiến đê sông Bùi vỡ một đoạn lớn. Đoạn đê vỡ nằm cách khu dân cư thuộc xã Hoàng Văn Thụ 1km.
Giao thông đường bộ nối 2 xã Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ ngập trong nước, khó phân biệt đâu là đường đâu là cánh đồng, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Nước ngập gần chạm mái nhà một số hộ dân.
Lợn gà và tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vỡ đê được di tản, tạm thời tập kết ngay lề đường nơi địa thế cao.
Ngay khi nhận được thông tin đê vỡ, lãnh đạo thành phố, huyện Chương Mỹ và chính quyền địa phương đã đến hiện trường chỉ đạo khắc phục, tìm biện pháp ngăn chặn, không cho đê vỡ thêm.
Ảnh: VOV. |
Sáng nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thị trấn Xuân Mai.
Trước đó, tối 11/10, Chủ tịch Chung và các thành viên thuộc Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố cũng đi kiểm thực tế và chỉ đạo ứng phó với mưa lũ trên địa bàn một số xã, thị trấn, huyện Chương Mỹ: kiểm tra tình hình ngập úng tại cầu Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên; kiểm tra công tác huy động lực lượng kè chống tràn trên đê Trung Hòa (sông Đáy), nắm tình hình di dân bảo vệ tài sản tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu huyện Chương Mỹ và các đơn vị, sở, ngành liên quan cần khẩn trương tập trung mọi lực lượng di dời tất cả người và tài sản đến nơi an toàn nếu xảy ra tình huống vỡ đê hay nước lũ tràn qua đê vào khu dân cư, bảo đảm không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc đối với nhân dân; tập trung di dời gia súc, gia cầm ở các trang trại ngoài đồng đến nơi an toàn. Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các lực lượng dân quân, nhân dân phải túc trực thường xuyên, sử dụng bao cát gia cố mặt đê. Những đoạn đê nào có nguy cơ tràn thì phải tiếp tục đắp chống tràn. Đồng thời, tất cả các lực lượng phải kiểm tra hệ thống trạm biến áp điện thường xuyên, kịp thời, khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải cắt điện ngay, không để xảy ra mất an toàn, chập cháy điện.
Lực lượng công an chịu trách nhiệm tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp trong quá trình di dời người dân và di chuyển tài sản; chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ để hướng dẫn người dân đến nơi tạm trú an toàn; chuẩn bị cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm, đặc biệt là nước sạch phục vụ nhân dân; chuẩn bị thuốc men đề phòng các trường hợp ốm đau bệnh tật được cứu chữa kịp thời; cắt cử lực lượng tuần tra, canh phòng, hộ đê, cảnh báo các điểm có nguy cơ tràn, cấm đi lại tại các khu vực nguy hiểm. Đối với các điểm trường, trường học bị ngập cần cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Các sở, ngành theo dõi sát sao diễn biến thời tiết tình hình ngập lụt, chủ động trước mọi tình huống, không để bị động...
Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, trên tuyến sông Bùi có 9.900m nước tràn qua sông Bùi bên Hữu trong đó có 15m sạt tràn. Các địa bàn bị ảnh hưởng gồm: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…
Mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.
Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.