8 luật vừa được Quốc hội (QH) thông qua bao gồm: Luật Phòng thủ dân sự (PTDS); Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD); Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời cũng nhằm đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Về Luật PTDS, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, việc ban hành Luật góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về PTDS, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động PTDS; đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực PTDS quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân… Luật PTDS có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng
Về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, có nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong Luật lần này nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Đấu thầu được sửa đổi để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu. Luật Giá được sửa đổi nhằm khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Hợp tác xã được sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND hiện hành…
Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung 8 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và vừa được Chủ tịch nước công bố để các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện.