Liên quan đến số tiền hơn 9 tỷ đồng mà Công ty Cổ phần IMMC (gọi tắt là IMMC) đã lừa đảo, chiếm đoạt của người tiêu dùng, luật sư cho rằng, về nguyên tắc đơn vị nào được hưởng số tiền bất hợp pháp này phải có trách nhiệm trả lại người bị hại.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, IMMC đã dùng thủ đoạn quảng cáo tải ứng dụng xem phim, hình sex miễn phí trên hệ thống “Chợ nội dung số mmoney.vn” để lừa gần 800.000 thuê bao cài ứng dụng tự động gửi tin nhắn đến đầu số dịch vụ, chiếm đoạt của họ trên 9 tỷ đồng. Công an Hà Nội đã khởi tố hình sự đối với vụ án này.
Ai liên quan đến số tiền chiếm đoạt bất hợp pháp?
Luật sư cho rằng, về nguyên tắc đơn vị nào được hưởng số tiền bất hợp pháp trên thì đơn vị đó phải có trách nhiệm trả lại cho người bị hại. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội), IMMC đã sử dụng nhiều đầu số dịch vụ: 8x77, 8x71, 8x55, 6x65, 8x88, 6x86… của nhiều công ty kinh doanh đầu số để chiếm đoạt tiền của các thuê bao di động.
Số tiền chiếm đoạt từ các thuê bao di động trên đã được phân chia theo tỷ lệ như sau: Toàn bộ số tiền nhắn tin sẽ do các nhà mạng thu, sau đó nhà mạng chuyển lại cho các công ty kinh doanh đầu số 45%. Trong số tiền được chia này, các công ty kinh doanh đầu số sẽ chia lại 85% cho IMMC.
Tiếp đó, IMMC sẽ chuyển một phần tiền thu được cho các thành viên tham gia phát tán các ứng dụng vi phạm của hệ thống “Chợ nội dung số mmoney.vn”. Công an cũng xác định được IMMC đã chuyển khoản trên 2,8 tỷ đồng cho hơn 2.000 thành viên trong hệ thống “Chợ nội dung số mmoney.vn”.
Tuy nhiên, xác minh của PC50 Công an Hà Nội cũng cho thấy, trong số 800.000 thuê bao bị thiệt hại có nhiều thuê bao di động không biết mình bị trừ tiền nên không quan tâm hoặc “bỏ qua” vì số tiền mất không nhiều và không muốn người khác biết mình “ham” dịch vụ nhạy cảm.
Trên thực tế, số tiền hơn 9 tỷ đồng được phân tán và chuyển lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân nên khó có thể xác định được thiệt hại cụ thể của từng thuê bao để xem xét bồi thường. Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, trong trường hợp không xác định được để trả lại cho người bị hại, toàn bộ số tiền này phải được nộp lại cho Nhà nước.
Khách hàng chỉ nên tải ứng dụng từ nguồn tin cậy
Sau hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra, để tránh bị lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng cài đặt trên máy điện thoại thông minh, mạng di động MobiFone vừa khuyến cáo các khách hàng chỉ nên tải ứng dụng từ các nguồn tin cậy, không truy cập những website không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, chỉ tải về thiết bị di động ứng dụng phổ biến từ các kho ứng dụng có uy tín của các nhà cung cấp lớn như Apple Store, Google Play…, sau khi tìm hiểu thông tin cơ bản về nhà phát triển ứng dụng (Developer); không nên truy cập và tải ứng dụng từ các nguồn không chính thống, không rõ ràng hoặc ứng dụng đã bị bẻ khóa (crack).
Người dùng cần cân nhắc kỹ khi được yêu cầu cấp quyền truy cập của ứng dụng đối với các tài nguyên của thiết bị di động (đặc biệt là yêu cầu cấp quyền truy cập vào dữ liệu danh bạ, thoại, SMS, vị trí hoặc dữ liệu cá nhân khác). Hạn chế cấp quyền tác động vào quyền điều khiển máy (Reboot đối với hệ điều hành Android hoặc Jailbreak đối với hệ điều hành iOS).
Theo MobiFone, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm theo hướng dẫn truy cập vào các website không rõ nguồn gốc hoặc tải ứng dụng về thiết bị di động của mình khi nhận được tin nhắn quảng cáo, mời chào từ các số điện thoại cố định, di động cá nhân hoặc số điện thoại tổng đài (thông thường, tin nhắn lừa đảo thường có nội dung hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng bằng cách gửi tin nhắn đến tổng đài hoặc bấm vào những đường dẫn nêu trong tin nhắn quảng cáo để cố ý thu cước hoặc cài ứng dụng trái phép vào máy của khách hàng).