Tuyệt đẹp pho tượng Phật Bà Quan Âm chùa Hội Hạ
Trong số 9 bảo vật quốc gia được giới thiệu có pho tượng Phật Bà Quan Âm nổi tiếng từng thuộc về chùa Hội Hạ - ngôi chùa có tên chữ là Động Lâm tự, tọa lạc tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước khi tìm hiểu về pho tượng, cần biết rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo chính của Việt Nam. Trong đó, Quán Thế Âm Bồ Tát có vị trí quan trọng và được thờ phục rộng rãi, nhất là trong Phật giáo Đại Thừa.
Quán Thế Âm Bồ Tát được các bộ kinh Phật, sử liệu ghi chép lại là một vị Bồ Tát có vị trí quan trọng. Ngài ngự ở thế giới Tây Phương cực lạc, nơi có Đức Phật A Di Đà làm giới chủ. Bồ Tát biểu thị cho tinh thần đại bi, là đặc trưng cho tinh thần giác tha của Phật giáo Đại thừa. Ngài tìm tới những nơi có tiếng than khóc, cầu xin để cứu vớt và giác ngộ chúng sinh.
Khi du nhập vào dân gian, hình tượng của Bồ Tát có nhiều biến hóa khác nhau từ nam nhân tới nhữ nhân, ma vương... Tại các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, ngài thường được hình tượng hóa với dáng vẻ nữ nhân. Kết hợp thêm các truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian, hình tượng của Bồ Tát có Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Diệu Thiện (Nam Hải). Ở Việt Nam hiện nay pho tượng Phật Bà Quan Âm nổi tiếng nhất và được công nhận là bảo vật quốc gia từng thuộc về chùa Hội Hạ. Pho tượng đặc tả hình ảnh của đức Quan Âm Diệu Thiện
Tượng Phật Bà Quan Âm, chùa Hội Hạ, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Truyền thuyết về Quan Âm Diệu Thiện được truyền miệng trong dân gian Việt Nam qua lối truyện thơ nói về một vị công chúa đã xuất gia ở Việt Nam để độ hoá cho vua cha có nhiều tội ác. Sự tích này cũng có một dị bản lưu hành ở Trung Hoa. Vị công chúa này, nguyên ở nước Hùng Lâm thuộc Ấn Độ, là người con gái thứ ba của Diệu Trang Vương. Công chúa này lớn thông minh, xinh đẹp như hoa, nhưng nàng chỉ say mê kinh kệ và có lòng quy y Phật. Nhà vua muốn công chúa xuất giá, không thành liền đốt chùa nơi nàng ngự, một con cọp trắng xông ra cõng công chúa mang đến chùa Đại Hương Sơn. Diệu Thiện tu hành ở đó, đắc thành chính quả, cảm hoá được muông thú. Sau này, nhà vua mắc bệnh, nàng trở về cứu độ cho cha mẹ và các chị gái. Hình tượng Phật bà Quan Âm 42 tay chính là sự hiện hình thiên thủ thiên nhãn. Đức Quan Âm Diệu Thiện vì cắt tay, móc mắt chữa bệnh cho cha mà sau hiện hóa ngàn tay ngàn mắt.
Tượng Quan Âm Diệu Thiện với 42 thủ nhãn ấn pháp thể hiện diệu dụng của chú Đại Bi, đúng với tinh thần “Giác tha” của nhà Phật. Quan Âm Bồ Tát có hạnh nguyện sinh ngàn tay, ngàn mắt, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú đại bi.
Ngày 30/12/2013, pho tượng Phật Bà Quan Âm chùa Hội Hạ, hiện vật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia. Pho tượng cao 315cm, nặng khoảng 3 tấn. Đây là một trong những pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng gỗ lớn và đẹp nhất của loại hình tượng Quan Âm Diệu Thiện mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 16.
Hình thức của pho tượng là Phật Bà Quan Âm nhiều tay ngồi trên tòa sen được đỡ bởi quỷ trên biển Nam Hải. Hai bên có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu - hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo tượng Quan Âm Diệu Thiện (Nam Hải) bằng gỗ các thế kỷ 16 - 17 - 18 trong chùa Việt Nam. Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được ghép từ nhiều miếng gỗ lớn, nhỏ bằng nghệ thuật tạo tác đạt ở đỉnh cao của nghề gỗ. Với nghệ thuật tạo hình đặc sắc, tổng thể pho tượng hoành tráng mà vẫn giữ được sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Do có sự thống nhất về mặt phong cách tạo tượng từ sớm đã làm tăng giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của pho tượng, đưa pho tượng vào hàng bảo vật quốc gia.
Tự hào nền mỹ thuật Việt Nam
Cũng trong năm 2013 còn có 4 bảo vật quốc gia khác được công nhận và cũng được đề cập tới trong cuốn sách “9 bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” do Bảo tàng Mỹ thuật vừa phát hành. Đó là: Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (chùa Mật); Tranh “Em Thúy” của họa sỹ Trần Văn Cẩn; Tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sỹ Tô Ngọc Vân; Tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng.
Tác phẩm “Em Thúy”, Trần Văn Cẩn, 1943. |
Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ở chùa Mật, tỉnh Thanh Hóa. Tượng có niên đại vào đầu thế kỷ XVII, chất liệu gỗ phủ sơn, cao 122cm. Đây là đại diện xuất sắc cho nghệ thuật tạo tượng Hậu Phật Việt Nam.
Tác phẩm “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943, chất liệu sơn dầu, kích thước 60,5x45,5cm. Tác phẩm là bức tranh chân dung xuất sắc của hội họa hiện đại Việt Nam. Bức tranh có bố cục giản dị nhưng để lại rung cảm cho người xem.
Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sỹ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1944 chất liệu sơn dầu, kích thước 100,2x75cm. Tô Ngọc Vân (1906-1954) thuộc thế hệ họa sỹ tài năng hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bức tranh diễn tả chân thực một góc đời sống xã hội Hà Nội những năm 30-40 của thế kỷ 20.
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963, chất liệu sơn mài, kích thước 122,3x180cm. Thiên sử vàng chấn động địa cầu, khúc tráng ca Điện Biên Phủ được thể hiện lẫm liệt, ngạo nghễ trên bức tranh, ghi tên mình vào sự nghiệp vô giá của người họa sỹ tài hoa.
Cuốn sách “9 bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” cũng đề cập đến 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017 gồm: Bộ cánh cửa chạm rồng (chùa Keo); Tranh “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của họa sỹ Dương Bích Liên; Tác phẩm sơn mài “Bình phong” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí; Tranh “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm.
Tác phẩm “Bình phong”, Nguyễn Gia Trí, 1939. |
Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa tam quan nội chùa Keo ở Vũ Thư, Thái Bình. Lối chạm khắc, trang trí cửa đền, chùa, đình, miếu theo hình thức này là đặc trưng ở trấn Sơn Nam xưa (phía Nam kinh thành Thăng Long). Trong đó, bộ cánh cửa chùa Keo là bộ cửa đẹp, lớn nhất.
Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”, với bút pháp phóng khoáng, dạt dào đầy cảm xúc họa sĩ Dương Bích Liên dựng lên một không gian núi rừng Việt Bắc hùng vĩ. Tác phẩm giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam bằng bút pháp tinh tế. Bảo tàng Mỹ thuật đã mua tác phẩm này tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980.
“Bình phong” là tranh 8 tấm, vẽ trên hai mặt. Một mặt thể hiện cảnh thiếu nữ trong vườn. Mặt còn lại của bình phong thể hiện phong cảnh vườn cây với những dọc mùng, khóm chuối, bụi tre… “Bình phong” đánh dấu thời kỳ đầu của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Bằng tài năng xuất chúng, Nguyễn Gia Trí đã khiến con người, cảnh vật trên bức “Bình phong” đạt tới vẻ đẹp rất thực, rất sống động, tạo nên nét riêng độc đáo, đậm tính dân tộc.
Thánh Gióng là một trong những chủ đề được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện nhiều. Một trong số những tác phẩm thể hiện Thánh Gióng xuất sắc nhất là tác phẩm đạt giải nhất tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990. Bảo tàng Mỹ thuật đã mua “Gióng” ngay tại triển lãm này. Tranh “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm vừa đậm chất dân tộc vừa mang tính hiện đại….
Với sự ra đời của cuốn sách “9 bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và về bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng.