(PLVN) -Là một trong những hoạt động thiết thực hướng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), ngày 24/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức vòng chung khảo Cuộc thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn TP năm 2019 với sự tranh tài của 9 đội thi có thành tích tốt nhất được chọn ra từ vòng sơ khảo 3 cụm thi diễn ra trước đó.
Tham dự vòng chung khảo cuộc thi có: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cùng đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành, quận huyện. Đặc biệt là sự góp mặt của 9 đội thi xuất sắc gồm: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Gia Lâm, Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, tỷ lệ hòa giải thành của TP hàng năm đều tăng. Tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%, đặc biệt năm 2018 tỷ lệ hòa giải tăng cao 86,3%.
Qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Thủ đô xứng đáng là Thủ đô bình yên, thành phố vì hòa bình, điểm đến hấp dẫn và thân thiện của bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Để đạt được kết quả tích cực đó là nhờ sự quan tâm kịp thời của cấp ủy chính quyền từ TP đến quận, huyện, thị xã trong việc củng cố kiện toàn, hỗ trợ kinh phí, động viên khen thưởng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Ông Sơn nhấn mạnh năm 2019, cuộc thi Hòa giải viên giỏi được TP Hà Nội tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở đồng thời góp phần tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân pháp luật về hòa giải ở cơ sở cùng các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân. Đặc biệt, năm 2019, Ban tổ chức cuộc thi TP còn nhấn mạnh nội dung của cuộc thi về việc tìm hiểu và tuân thủ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.
Cuộc thi cũng là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc; tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Đồng thời là hoạt động thiết thực của TP Hà Nội hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11/2019.
Tham dự vòng chung khảo, 9 đội thi sẽ trải qua 3 phần thi: Thi lý thuyết, thi xử lý tình huống và thi năng khiếu. Ở phần thi lý thuyết, các đội thi tham gia trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm là những vấn đề, tình huống pháp luật thường xảy ra trong thực tiễn công tác hòa giải trên tất cả các lĩnh vực như dân sự, hành chính, đất đai, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình… Bằng sự bình tĩnh và am hiểu pháp luật, cả 9 đội thi đã xuất sắc vượt qua phần thi lý thuyết và tạo được ấn tượng đối với Ban Giám khảo cũng như đông đảo khán giả qua việc trả lời chính xác các câu hỏi.
Tiếp đó, trong phần xử lý tình huống, với những mâu thuẫn thường gặp trong cuộc sống thường ngày như tranh chấp về đất đai, tài sản thừa kế, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ gia đình, các hòa giải viên đã thể hiện sự khéo léo trong việc giải quyết. Trong đó, việc đề cao chữ “tình” luôn là điều được hòa giải viên của các đội hướng đến đầu tiên. Tuy nhiên, các hòa giải viên đều hiểu được rằng cần kết hợp hài hòa giữa chữ “lý” và chữ “tình” để đảm bảo cho kết quả hòa giải được thực chất, bền vững.
Nếu như các đội Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàn Kiếm… khéo léo dẫn dắt các quy định pháp luật để xử lý tình huống như mâu thuẫn do không thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, quy định xử phạt hành chính hành vi đánh bạc trái phép… thì nhiều đội thi khác lại lựa chọn xây dựng tiểu phẩm để giải quyết tình huống, mâu thuẫn như đội Hoài Đức, Đống Đa… Qua đó, các đội truyền tải một số thông điệp như “Thân thương hàng xóm láng giềng, sẻ chia những lúc buồn phiền có nhau”, “Ở đâu có hòa giải, ở đó có bình yên”, “Hòa giải viên – người nối những nhịp cầu niềm vui”…
Tại phần thi năng khiếu, dưới hình thức sân khấu hóa như diễn xuất, hát, chèo, hò, vè, ngâm thơ, hát… được chuẩn bị công phu, các đội thi đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem. Qua đó cho thấy sự am hiểu pháp luật, phong tục tập quán, khả năng thuyết phục của các hòa giải viên.
Kết quả chung cuộc, đội Đống Đa đạt giải Nhất; đội Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm đạt giải Nhì; các đội Tây Hồ, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức và Hoàng Mai đạt giải Ba.
Một số hình ảnh tại vòng chung khảo: