ADN - góc nhìn từ dịch vụ công vì quyền lợi của Nhà nước và công dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói ở bài trước “ADN và những câu chuyện tự kể”, trong giai đoạn hiện nay, với chức năng chứa đựng thông tin di truyền, có thể ứng dụng nhiều vào thực tế để phục vụ cho cuộc sống của con người, ADN đã và đang chứng minh được sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò to lớn trong việc góp phần giữ gìn an ninh trật tự cũng như quản lý, phát triển kinh tế, xã hội.
Tiến hành giải trình phân tích ADN của mẫu tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.
Tiến hành giải trình phân tích ADN của mẫu tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói nhằm quản lý cư dân và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tìm kiếm tung tích nạn nhân. Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận, triển khai hệ thống này.

Bổ sung thông tin sinh trắc học vào cơ sở dữ liệu căn cước

Trên thế giới, các giải pháp nhận dạng sinh trắc học đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày như khâu kiểm tra an ninh tại sân bay hay thông qua nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại và thế hệ tiếp theo ADN (thuật ngữ viết tắt chỉ vật liệu di truyền ở đa số các cơ thể sống, trong đó có sinh vật và con người) đang được dự kiến đưa vào sử dụng để giúp nhận dạng chính xác các cá nhân. Nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói nhằm quản lý cư dân và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tìm kiếm tung tích nạn nhân, hiện nay đã có Hiệp ước châu Âu cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc trên tinh thần tự nguyện để phục vụ cho công tác tìm kiếm nạn nhân, phòng, chống tội phạm...

Tại Việt Nam, Quyết định 175/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước cho phép thu thập dữ liệu sinh trắc học như ghi lại nhóm máu và các thông tin khác liên quan đến ADN. Dữ liệu này sẽ được lưu trữ với độ bảo mật cao trong cơ sở dữ liệu quốc gia và được chia sẻ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ. Ngày 01/07/2024 tới đây, Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực, có nhiều điểm mới so với luật Căn cước công dân, trong đó quy định bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói và mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo Bộ Công an, khi đưa ra những quy định áp dụng sinh trắc học, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Luật Căn cước đã được thông qua và hiện nay cần bàn để thực hiện như thế nào cho hiệu quả. “Bên cạnh những ưu điểm ADN được đưa vào thẻ căn cước công dân, thì cũng có mặt hạn chế đó là thời gian thực hiện lâu dài và chi phí cao. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, vì vậy, đề án thực hiện phải làm trong thời gian lâu dài sử dụng nhiều thiết bị giải trình tự gen thế hệ mới có chi phí cao. Cạnh đó, vấn đề về bảo mật dữ liệu ADN cũng là vấn đề mà người dân lo ngại khi tích hợp vào căn cước công dân. Để giải quyết việc này, phần mềm và dữ liệu lưu giữ ADN của công dân có độ bảo mật cao được cơ quan chức năng theo dõi cùng cập nhật thường xuyên theo Luật Căn cước, tương đối phức tạp cần đáp ứng đầy đủ các các độ an toàn an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT, do đó đề án xây dựng ứng dụng cần thời gian dài để xây dựng” - bà Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết.

Về thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định “người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”. Như vậy, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước. Cần biết rằng, dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng. Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch điện tử nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Để chuẩn bị cho tiến trình có hiệu lực của Luật Căn cước, tháng 02/2024, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã tổ chức hội thảo quốc gia lần thứ nhất nhằm đánh giá các giải pháp khoa học - công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai luật. Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Việt Nam đang từng bước tiếp cận, triển khai hệ thống dữ liệu sinh trắc, song còn gặp nhiều khó khăn bởi tính pháp lý, hạ tầng, công nghệ. Trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học tích hợp thẻ căn cước công dân, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được giao thực hiện và sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý với mục tiêu đề ra phục vụ Nhân dân, phục vụ nhu cầu phát triển xã hội tốt nhất và hiệu quả nhất.

Dữ liệu ADN ngày càng trở nên phù hợp để ứng dụng trong dịch vụ công

Cùng với Sở Y tế và Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Pháp y Hà Nội là một trong 3 đơn vị trên địa bàn được Công an TP Hà Nội mời phối hợp khảo sát thông tin sinh trắc học phục vụ triển khai Luật Căn cước theo Công văn số 3219/CAHN-QLHC ngày 19/4/2024.

Dữ liệu sinh trắc học của công dân sẽ được lưu trữ với độ bảo mật cao trong Cơ sở dữ liệu quốc gia và được chia sẻ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ. (Ảnh minh họa)

Dữ liệu sinh trắc học của công dân sẽ được lưu trữ với độ bảo mật cao trong Cơ sở dữ liệu quốc gia và được chia sẻ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, trước đây, trong một thời gian dài, các phương pháp dựa trên ADN được dành riêng cho công việc pháp y, chẳng hạn như xác định rõ ràng nạn nhân thảm họa, xác định quan hệ huyết thống, hay truy tìm thủ phạm qua dấu vết ADN thu tại hiện trường. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, dữ liệu ADN còn để xác lập danh tính cũng ngày càng trở nên phù hợp để ứng dụng trong dịch vụ công. Đây là một sự phát triển có nhiều lợi ích lớn, bởi vì đối với công dân, bằng chứng về danh tính của chính họ là “chìa khóa” dẫn đến phúc lợi nhà nước, giáo dục và khả năng di chuyển... ít nhất là về mặt lý thuyết vì trên thực tế, nhiều người trên thế giới vẫn chưa có danh tính hợp pháp có thể được xác minh bằng giấy khai sinh hoặc hộ chiếu.

Cũng theo bà Yến, bên cạnh các quy trình sinh trắc học đã được thiết lập như dấu vân tay, quét mống mắt hoặc nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng ADN là một bước tiến sắp tới trong nhận dạng và xác minh cá nhân. Đây là lĩnh vực có thể phát huy hết tiềm năng vì dữ liệu ADN là duy nhất và không thể thay đổi, có thể xác định rõ ràng các cá thể trong trường hợp nghi ngờ.

Từ góc độ giám định pháp y và tố tụng, việc ADN được đưa vào căn cước công dân hỗ trợ đơn vị pháp y và các cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra được thủ phạm trong các vụ án. Ví dụ như dữ liệu ADN được cung cấp từ căn cước và lưu trữ trên hệ thống được dùng để so sánh với các đối tượng tình nghi trong các vụ án xâm hại tình dục mà lược bỏ được các thủ tục và văn bản giao nhận mẫu hay đối tượng. Bên cạnh đó, trong các vụ thảm họa, ADN từ thẻ căn cước cũng được sử dụng để xác định quan hệ huyết thống giữa người thân và nạn nhân nhằm xác nhận nhân thân, lai lịch trong thời gian ngắn. Do ADN có tính chất gần như không thay đổi trong suốt cuộc đời, trong khi đó nhận diện khuôn mặt có thể thay đổi do tai nạn hay phẫu thuật, đặc biệt là trường hợp phẫu thuật chuyển đổi giới tính khuôn mặt sẽ thay đổi nhiều; vân tay cũng tương tự với công dân không có vân tay; giọng nói dễ bị giả mạo khi các thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại, dẫn tới tính bảo mật và riêng biệt không cao. Dữ liệu ADN cũng rất hiệu quả khi được dùng để cung cấp danh tính duy nhất với mỗi cá nhân ngay từ khi sinh ra. Do đó, các trường hợp nhầm lẫn danh tính, nhận con nuôi bất hợp pháp và bắt cóc sẽ được ngăn chặn kịp thời...

Nhìn chung, nhận dạng dựa trên ADN cho phép xác minh các một cách an toàn và duy nhất với mỗi cá nhân và đây là một công cụ bổ sung, kết hợp với các phương pháp nhận dạng sinh trắc học khác, cung cấp thông tin hoàn toàn đáng tin cậy trên các cơ sở lưu trữ do các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao phụ trách, theo bà Yến.

“Bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; thu thập, khai thác, sử dụng thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định của Luật; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước” - trích Quyết định 175/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.

Đọc thêm