ADN - những câu chuyện 'tự kể'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hoạt động giám định pháp y, giám định ADN là một giám định góp phần quan trọng cho cơ quan điều tra, tố tụng trong truy tìm tội phạm, xác định tung tích người bị hại, người mất tích… Từ đó giúp cho việc giải quyết các vụ án hình sự, các vụ tranh chấp dân sự được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và cá nhân.
Giám định ADN được dùng để truy vết tội phạm trong các vụ án hình sự. (Ảnh minh họa - Nguồn: Istock)
Giám định ADN được dùng để truy vết tội phạm trong các vụ án hình sự. (Ảnh minh họa - Nguồn: Istock)

Vạch mặt lái xe “râu xanh”

Tại Trung tâm Pháp y Hà Nội, nhiều vụ án xâm hại tình dục và tìm người thân thông qua giám định ADN đã giúp sự thật được sáng tỏ. Với nhiều giám định viên/bác sĩ pháp y tại Trung tâm, vụ án ADN vạch mặt lái xe “râu xanh” là vụ án khó quên, bởi chính nhờ kết quả giám định ADN, kẻ có hành vi vi phạm pháp luật mới cúi đầu nhận tội.

L.V.P làm nghề lái xe ghép (là loại hình sử dụng xe ô tô cá nhân không đăng kí kinh doanh vận tải nhưng đón chở khách theo yêu cầu) tuyến Hưng Yên - Hà Nội để thu tiền. Thông qua hội nhóm xe ghép trên ứng dụng Zalo, trong khoảng thời gian từ 15h30 đến 17h40 ngày 24/02/2024, L.V.P điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Honda Civic đón chị P.T.H.A (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú ở Ba Đình, Hà Nội) từ Hưng Yên đi Hà Nội.

Vì trong xe trước đó đã có hai khách nam (khách ghép) ngồi ở hàng ghế phía sau nên chị P.T.H.A ngồi ở ghế phụ phía trước. Tối 24/02/2024, sau khi L.V.P trả hai người khách nam thì tiếp tục điều khiển xe từ Triều Khúc, Thanh Xuân để chở chị P.T.H.A về Hoàng Hoa Thám. Khoảng 19h50, khi đi qua đoạn đường Phạm Hùng, vì có nhu cầu dùng điện thoại nên L.V.P điều khiển tấp vào sát vỉa hè trên đường, cạnh khu vực bãi đất trống đối diện Bến xe Mỹ Đình. Dùng điện thoại xong, L.V.P quay sang thấy chị P.T.H.A đang ngồi dựa vào ghế ngủ, nên đã nảy sinh ý đồ giao cấu với chị, mặc cho chị P.T.H.A chống cự.

Trong quá trình xâm hại chị P.T.H.A, do lo sợ việc giao cấu bị phát hiện, bị tố giác, sợ để lại hậu quả nên L.V.P đã ngừng lại giữa chừng. Sau đó, L.V.P lái xe chở chị P.T.H.A về nhà. Chị P.T.H.A đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi xâm hại của L.V.P. Qua kết quả giám định ADN trên cơ thể của L.V.P đã cho thấy có sự hiện diện ADN của chị P.T.H.A. Biết không thể chối cãi nên L.V.P đã cúi đầu nhận tội.

Tháng 3/2024, Công an xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội nhận được tin báo về tội phạm của anh Đ.V.Đ (hộ khẩu thường trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) về việc chiều ngày 04/03/2024, kẻ gian đột nhập, cạy phá chiếc két sắt tại nhà và trộm cắp số tiền khoảng 130 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an xã Võng Xuyên đã báo cáo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phúc Thọ để khám nghiệm hiện trường và các biện pháp điều tra.

Tại mặt trong của cánh cửa két sắt, có dấu vết màu đỏ nghi máu, tương tự tại trước của phòng ngủ cũng có dấu vết màu đỏ nghi máu. Giám định ADN từ các mẫu tăm bông thu dấu trùng với ADN của N.Đ.T - một thanh niên sinh sống trên địa bàn. Ngày 05/03/2024, tức là sau khi vụ án xảy ra chỉ một ngày, thấy không thể trốn tránh được pháp luật, N.Đ.T (sinh năm 2021, hộ khẩu thường trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) đã đến Công an xã Võng Xuyên đầu thú và khai nhận hành vi trộm cắp tài sản tại nhà anh Đ.V.Đ.

V.N.U.N (sinh năm 2007 hộ khẩu thường trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), năm 2022 tại thời điểm xảy ra vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, V.N.U.N 15 tuổi. Tháng 5/2022, V.N.U.N đến nhà N.B.T (sinh năm 2007; hộ khẩu thường trú huyện Gia Lâm, Hà Nội) chơi. Tại đây, V.N.U.N và N.B.T đã quan hệ với nhau. Từ thời điểm đó trở đi, N.B.T nhiều lần quan hệ với V.N.U.N ở nhà của N.B.T. Đến ngày 14/06/2023, V.N.U.N sinh 1 bé trai.

Ngày 02/02/2024, N.B.T hành hung V.N.U.N để yêu cầu mang bé trai trên sang nhà để N.B.T nuôi. Mẹ V.N.U.N đã đưa V.N.U.N đi khám thương tích và trình báo cơ quan công an đề nghị xác minh làm rõ sự việc. Giám định ADN tại Trung tâm Pháp y Hà Nội cho thấy N.B.T có quan hệ huyết thống bố - con với bé trai, độ tin cậy 99,9999%. V.N.U.N có quan hệ huyết thống mẹ - con với bé trai, độ tin cậy 99,9999%.

ADN góp phần quan trọng giữ gìn an ninh trật tự xã hội

ADN còn được biết đến với tên gọi là axit deoxyribonucleic, thuật ngữ tiếng Anh của ADN là DNA, viết tắt của Deoxyribonucleic acid. ADN là một phân tử phức tạp chất mang thông tin di truyền của hệ thống sống. Hầu như các sinh vật đa bào đều có đủ bộ ADN của sinh vật đó. Trong quá trình sinh sản phân tử ADN trải qua quá trình phân chia nên một phần ADN của chúng được truyền cho đời sau.

Chức năng của ADN là mang thông tin di truyền, bảo quản, bảo tồn thông tin di truyền và biến đổi tạo nền tảng cho sự tiến hóa. Thông tin di truyền mang các dữ liệu về cấu trúc và đặc điểm của từng loại nucleotide có trong cơ thể sinh vật, do đó ADN sẽ góp phần quy định các đặc tính của sinh vật.

Vì ADN có chức năng chứa đựng thông tin di truyền nên nó có thể ứng dụng trong việc xác định một số bệnh nhất định hoặc xét nghiệm huyết thống. Trong hoạt động điều tra, so với phương pháp lấy lời khai, dấu vân tay… xét nghiệm ADN thể hiện sự khách quan và chính xác vượt trội. Các nghiên cứu đã chứng minh, phương pháp giám định ADN có mức độ chính xác lên đến hơn 95%.

Thực hiện lấy mẫu ADN cho đối tượng tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. (Nguồn: TTPYHN)

Thực hiện lấy mẫu ADN cho đối tượng tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. (Nguồn: TTPYHN)

Cách đây hơn bốn chục năm, khoảng giữa những năm 1980, Tiến sỹ Alec Jeffreys, nhà di truyền học người Anh trong lúc nghiên cứu đề tài bệnh di truyền ở các gia đình, đã phát hiện ra sự lặp đi lặp lại của một đoạn cấu trúc ADN. Với các nghiên cứu sâu hơn, ông cũng chứng minh được rằng các đoạn ADN mang tính đặc trưng cho từng cá thể và có thể dùng ADN để xác định danh tính một con người.

Năm 1983, kỹ thuật giám định ADN của Tiến sỹ Jeffreys đã được áp dụng lần đầu trong quá trình giám định pháp y vụ giết người xảy ra cùng năm đó. Phương pháp Tiến sỹ Jeffreys thực sự mang lại ý nghĩa to lớn cho ngành giám định pháp y và điều tra tội phạm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hạn chế của phương pháp này là cần lượng lớn ADN thu thập trên cơ thể nạn nhân để có thể thực hiện so sánh với tất cả các mẫu ADN khác. Nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, các giám định viên pháp y đang áp dụng phương pháp PCR (polymerase chain reaction) cho phép thử nghiệm với một lượng rất nhỏ ADN.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Giám định viên pháp y Hoàng Thị Thu Hà công tác tại Phòng Giám định ADN, Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, trong giám định pháp y vì đối tượng giám định là con người, là các tang vật (dấu vết sinh học) thu được tại hiện trường các vụ án, các vụ tai nạn, thảm hoạ, các tranh chấp dân sự làm tổn hại sức khỏe..., nên kết luận của giám định ADN đã và đang góp phần quan trọng cho cơ quan điều tra, tố tụng trong việc truy tìm tội phạm, xác định tung tích người bị hại, người mất tích… Từ đó giúp cho việc giải quyết các vụ án hình sự, các vụ tranh chấp dân sự được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Cũng theo Giám định viên pháp y Hoàng Thị Thu Hà, giám định ADN được dùng để truy vết tội phạm trong các vụ án hình sự như giết người, hiếp dâm. Dữ liệu ADN góp phần xác định chính xác đối tượng gây án và tìm tung tích nạn nhân, rút ngắn thời gian điều tra vụ án, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Bằng cách so sánh ADN từ dấu vết, bằng chứng thu được tại hiện trường vụ án với ADN của người bị tình nghi, có thể xác định người đó là tội phạm thực sự hay nghi can. Với độ chính xác cao, việc giám định ADN trong điều tra tội phạm đang ngày càng phổ biến và là bằng chứng xác thực để kẻ phạm tội không thể chối cãi trước bằng chứng.

Ngoài ra, phân tích ADN được ứng dụng trong giám định pháp y, khoa học hình sự với mục đích xác định huyết thống (cha/mẹ - con; anh - em trai, ông nội - cháu trai...) trong những vụ việc dân sự, hình sự.

ADN có trong mọi tế bào của cơ thể sống, vì vậy mẫu ADN có thể thu thập được từ hầu hết các bộ phận và các chất dịch tiết ra trên cơ thể: tóc, tinh dịch, nước bọt, móng tay, máu hoặc da chết của hung thủ lưu lại tại hiện trường vụ án hoặc của đối tượng cần giám định. Đồng thời, cảnh sát có thể yêu cầu các nghi phạm cung cấp mẫu ADN để so sánh.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới đều có riêng một hệ thống kho dữ liệu ADN mà các nhà điều tra có thể sử dụng. Mẫu ADN thu được ở hiện trường sẽ được quét trên hệ thống này để tìm ra thủ phạm.

(còn tiếp)

LTS: Với chức năng chứa đựng thông tin di truyền, có thể ứng dụng nhiều vào thực tế để phục vụ cho cuộc sống của con người, ADN (thuật ngữ viết tắt chỉ vật liệu di truyền ở đa số các cơ thể sống, trong đó có sinh vật và con người) đã và đang chứng minh được sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò to lớn trong việc góp phần giữ gìn an ninh trật tự cũng như quản lý, phát triển kinh tế, xã hội. Hoạt động giám định ADN không chỉ giúp ích rất nhiều cho cơ quan điều tra, tố tụng mà tới đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong triển khai pháp luật về căn cước, nhằm bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân theo quy định pháp luật.

Đọc thêm