Đến dự có ông Đinh Quang Hiếu, TUV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agibank Chi nhánh Bắc Quảng Bình, đại diện tổ đề án tổ chức triển khai thử nghiệm điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan tại trụ sở chính, các chi nhánh Agribank Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đến học tập kinh nghiệm triển khai, cùng đông đảo khách hàng, bà con xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch đến giao dịch.
Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Tiến Tùng - một khách hàng ở vui vẻ cho biết: "Trước đây mỗi khi cần giao dịch chúng tôi phải ra khu vực trung tâm hơn 6 km để giao dịch. Nay ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đưa "ngân hàng di động" về xã thật tiện lợi vô cùng.
Với những người dân chúng tôi thì việc giao dịch như vậy sẽ giảm được chi phí đi lại như trước đây. Đồng thời, đảm bảo an toàn về tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Qua đó, giúp người dân thêm điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư tại vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn”.
|
Người dân xã Quảng Lưu huyện Quảng Trạch giao dịch tại xe ngân hàng lưu động của Agribank. |
Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, ông Hồ Thăng Long cho biết, nhân dân xã Quảng Lưu có nhu cầu sử dụng vốn vay qua các kênh ngân hàng là rất lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn xã Quảng Lưu đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khi về đích NTM và hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa. Hiện dư nợ tín dụng của Agibank tại xã lên đến 41,8 tỷ đồng với 522 hộ vay vốn (chiếm 30% tổng số hộ trong xã).
Việc ngân hàng tổ chức giao dịch lưu động bằng ô-tô chuyên dùng là cơ hội tốt để người dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay và các dịch vụ khác của ngân hàng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Chúng tôi hy vọng điểm giao dịch lưu động này sẽ được duy trì và hoạt động thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân tại khu vực nông thôn khi tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng; góp phần nâng cao đời sống dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Việc Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đi lại của khách hàng khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Điều này khẳng định vai trò của Agribank trong thực hiện chính sách “Tam nông” mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.