Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát”, là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng Chính phủ, nhiều công trình được triển khai thần tốc, rút ngắn thời gian thi công như công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân.

Một số dự án từng trễ hẹn về đích đã được gỡ vướng, đưa vào khai thác, như đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, dự án khai thác Mỏ khí Lô B và Trung tâm nhiệt điện Ô Môn...

Tuy nhiên, Công điện chỉ rõ vẫn còn một số dự án tồn đọng như dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, dự án chống ngập úng khu vực TP HCM, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem… Công điện nêu rõ, những dự án tồn đọng này “gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội”.

Với nền kinh tế, dự án khi khởi công được tính vào tăng trưởng GDP hàng năm; nhưng vì tồn đọng kéo dài, nên thành ra lãng phí, gây hại. Một số phát biểu, chỉ đạo, bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận diện rõ ràng hơn về vấn đề này: “Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực”.

Tại Công điện 112, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo triển khai ngay một số công việc cụ thể. Đó là rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; sử dụng hiệu quả công trình trụ sở, công sở, báo cáo Thủ tướng trước 30/11/2024.

Xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá. Xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài. Kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực…

Với những giải pháp cụ thể như trên, dư luận tin tưởng nhất định tình hình sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Đọc thêm