Tín hiệu đáng mừng từ TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý III năm 2024 cho chúng ta thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo, từ tháng 5/2023 đến nay, TP đã xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc. Trong đó có 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn, 22 dự án đang tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định, giao Sở KH&ĐT chủ trì giải quyết.

Số liệu này cũng tương đối phù hợp với ước tính của Hiệp hội BĐS TP HCM, theo đó, từ năm 2022 đến nay, TP đã có 64 dự án BĐS của 57 DN bị vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm: Các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý; các dự án nhà ở thương mại bị rà soát, thanh tra, kiểm tra. Hiệp hội đã một số lần kiến nghị UBND TP tháo gỡ khó khăn. Đến tháng 5/2023, Tổ công tác của TP về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS được thành lập. Từ đó đến tháng 7/2023, Tổ công tác đã xem xét giải quyết cho 30 dự án.

Trở lại với báo cáo gửi Bộ Xây dựng, cũng trong 9 tháng qua, TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án nhà ở thương mại (trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội); 2 dự án được cấp phép xây dựng với quy mô 31.000 căn hộ thương mại đang triển khai... TP HCM đánh giá thị trường BĐS trên địa bàn đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.

TP dự kiến thị trường BĐS sẽ tiếp đà phục hồi dù diễn biến chậm. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết sau khi bảng giá đất mới được ban hành nhưng sẽ không có biến động mạnh. Nguồn cung mới dần được bổ sung góp phần tăng lượng giao dịch trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư vẫn được đánh giá là tiềm năng nhất do nguồn cung tăng chậm và nhu cầu cao.

Ở góc nhìn tổng thể, theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP HCM ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu liên quan đến lĩnh vực đất đai khoảng 5.900 tỷ đồng. Dù gặp khó khăn nhưng so với dự toán được giao, thu ngân sách của TP HCM vẫn hoàn thành và dự kiến vượt 2% kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh khó khăn, những con số ghi nhận từ TP HCM dù chưa phải là đột phá, nhưng đã là những tín hiệu đáng mừng. Đã có thể thấy “trái ngọt” của những quyết sách từ Trung ương kiên quyết gỡ vướng các vấn đề còn tồn tại kìm hãm; từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) trong cuộc làm việc với Đảng bộ TP HCM vào tháng 8/2024, là “ưu tiên tháo gỡ những điểm nghẽn, mạnh dạn đột phá để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển”...

Cùng với những sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cộng với sự cố gắng sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP; nhất định TP HCM sẽ luôn khẳng định là đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đọc thêm