AH-64E - uy lực khủng khiếp nhất của Apache

(PLO) -Dù đã phục vụ lâu năm trong quân đội Mỹ, trực thăng Apache đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong yểm trợ hỏa lực cho bộ binh trên chiến trường. Dù đã được nâng cấp qua nhiều phiên bản, song phiên bản mới nhất, và cũng là phiên bản cuối cùng AH-64E “Người bảo vệ” mới hội tụ uy lực khủng khiếp nhất của dòng trực thăng tấn công này.
Apache “Người bảo vệ” tham chiến lần đầu tiên tại Afganistan.

Trực thăng Apache AH-64E “Người bảo vệ” phản ánh những xu hướng mới nhất trong học thuyết quân sự Mỹ, đó là nâng cao năng lực phản ứng, năng lực phối hợp tác chiến với máy bay không người lái và tham gia tấn công các mục tiêu trên biển.

Kiểm nghiệm khả năng thực chiến

Trước khi quyết định chi hàng tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để nâng cấp chiếc trực thăng Apache lên phiên bản cao nhất là AH-64E “Người bảo vệ”, Mỹ đã có nhiều thời gian để kiểm nghiệm khả năng thực chiến của dòng trực thăng tấn công này.

Apache từng tham chiến bên cạnh các loại phương tiện, vũ khí khác của quân đội Mỹ như xe tăng M1 Abrams, máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle – những phương tiện đã chứng tỏ năng lực vượt trội trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Khi Apache lần đầu tiên khai hỏa trong trận chiến đó, nó đã vô hiệu hóa hệ thống phòng không radar tần số thấp của Iraq, dọn đường cho máy bay tàng hình F-117 bắn phá các mục tiêu.

Tổng cộng 277 chiếc Apache đã được huy động trong Chiến tranh vùng Vịnh, góp phần phá hủy 278 xe tăng của Iraq và một số lượng lớn các mục tiêu khác – một hiệu suất cực cao so với hầu hết các loại vũ khí. Apache cũng được triển khai tới Iraq vào năm 2014 để hỗ trợ cho bộ binh Mỹ, và một số chiếc cũng đang tham gia tấn công Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong chiến dịch giải phóng Mosul hiện nay.

Máy bay trực thăng tấn công được xem là một loại vũ khí chính xác có khả năng khai hỏa mạnh vào các mục tiêu. Nhưng không giống với xe tăng hay máy bay chiến đấu chủ lực, một chiếc trực thăng chiến đấu bọc thép có thể dễ dàng bị bắn hạ bởi súng máy, súng phòng không, thậm chí cả súng phóng lựu, chưa kể đến tên lửa đất đối không.

Trong các cuộc chiến sau này tại Afganistan và Iraq, dòng trực thăng Apache AH-64s tiếp tục chứng minh hiệu quả của mình, song không thể tránh khỏi những tổn thất do hỏa lực từ mặt đất. Một trong những trận đánh vẫn thường được nhắc tới là chiến dịch tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào Đơn vị Medina của Iraq. Khi đó, phi đội gồm 31 máy bay Apache đã bị tổn hại khá nặng bởi súng máy hạng nặng và đại bác phòng không của đối phương.

Diện mạo mới của “Người bảo vệ”

Dự án phát triển máy bay Apache AH-64E “Người bảo vệ” được thông qua hồi năm 2012, 15 năm sau lần nâng cấp của AH-64D “Cây cung”. Phiên bản “Cây cung” có gắn thêm một radar APG-78 phía trên cánh quạt, cho phép trực thăng Apache phát hiện và khai hỏa trúng những mục tiêu mà mắt thường không nhìn thấy. Tuy nhiên, điều này khiến trọng lượng không tải của Apache tăng thêm 15% lên gần 5,5 tấn, trong khi công suất động cơ không được tăng thêm.

Phiên bản mới AH-64E “Người bảo vệ” đã khắc phục nhược điểm này bằng cách lắp đặt động cơ hơi nước T700-GE-701 với công suất cao hơn, hệ thống hộp số hiện đại hơn và cánh quạt hỗn hợp mới, cho phép tăng tốc độ của AH-64E từ 240 lên 290 km/giờ. Không chỉ đạt tốc độ nhanh hơn, Apache “Người bảo vệ” còn có thời gian hoạt động trên không lâu hơn tới 57%. Hệ thống bánh đáp chống sốc thủy lực mới cũng cải thiện khả năng chống va chạm của Apache “Người bảo vệ”, giúp giảm thiểu tác động va chạm khi máy bay rơi ở tầm thấp và không thể nhảy dù, ngăn chặn chấn thương cho kíp lái.

Ngoài những nâng cấp đối với các bộ vi xử lý và phần mềm với hệ thống máy tính, trực thăng Apache “Người bảo vệ” còn có một số tiện ích khác. Một hệ thống Tiêu hao Hỏa lực Mặt đất mới cho phép quét toàn bộ khu vực chiến trường bằng camera, có khả năng phát hiện các loại vũ khí cỡ nhỏ, súng đại bác, súng phóng lựu, đồng thời tự động bẻ lái ở góc thích hợp để tránh bị tấn công và khai hỏa đáp trả bằng súng đại bác 30 li. Hệ thống kết nối dữ liệu trong lô trực thăng Người bảo vệ mới nhất còn cho phép cải thiện khả năng chia sẻ và liên kết dữ liệu với các lực lượng khác khi cùng tham gia chiến dịch tấn công. Phần mềm máy tính được nâng cấp với Hệ thống Hỗ trợ ra quyết định nhằm giảm bớt khối lượng công việc cho các phi công đang thực thi nhiệm vụ.

Apache “Người bảo vệ” có thể điều khiển hỏa lực của máy bay không người lái từ xa.

Một chi tiết nâng cấp nữa là hệ thống liên kết dữ liệu nhằm điều khiển máy bay không người lái trong đội hình kết hợp. Hệ thống này cho phép phi công trên chiếc Apache AH-64E “Người bảo vệ” có thể điều khiển từ xa và nhận dữ liệu từ những chiếc máy bay không người lái vệ tinh như Đại bàng Xám MQ-1C. Tính năng này cho phép phi đội Apache có thể quan sát cục diện chiến trường trước khi tiếp cận, thậm chí bay sau để yểm hộ, chờ tới khi máy bay không người lái phát hiện ra mục tiêu rồi mới giáng đòn tấn công. Phi đội Apache có thể chuyển từ chế độ điều khiển tự động sang chế độ điều khiển bằng tay để tấn công mục tiêu bằng vũ khí laser hoặc tên lửa Hellfire được trang bị cho máy bay không người lái.

Tham gia đội hình kết hợp

Mục tiêu của việc nâng cấp Apache AH-64E “Người bảo vệ” là khiến loại trực thăng tấn công này đáp ứng bất cứ hình thức xung đột nào trên Thái Bình Dương cũng như tại Vịnh Ba Tư – hai chiến trường trọng điểm của Mỹ trong tương lai. Mặc dù kế hoạch chế tạo một biến thể máy bay trực thăng Apache cho hải quân đã “chết yểu” từ lâu, quân đội Mỹ hiện vẫn liên tục luyện tập việc triển khai máy bay trực thăng Apache từ tàu chiến trên biển.

Trực thăng Apache “Người bảo vệ” xuất trận lần đầu tiên vào năm 2015 khi Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Không quân 229 được điều động tới miền nam Afganistan trong vòng 7 tháng. Chỉ huy đơn vị cho biết việc trực thăng Người bảo vệ có thể tiếp cận chiến trường nhanh hơn và hoạt động trên không trong thời gian lâu hơn đã phá hỏng những chiến thuật của Taliban. Những chiến binh của Talitban đã không thể ra khỏi nơi ẩn nấp trong một thời gian dài khi những chiếc Apache “Người bảo vệ” cứ lượn lờ trên đầu.

Trực thăng Apache “Người bảo vệ” thực hiện kết nối với máy bay không người lái trong hơn 60% tổng số lần xuất kích, không chỉ với Đại bàng xám, mà còn với loại máy bay không người lái nhỏ hơn là RQ-7 Shadow, Reaper và Predator. Việc kết nối này cho phép “Người bảo vệ” xác định và phá hủy mục tiêu nhanh hơn, nâng cao hiệu suất mỗi lần xuất kích. Tuy nhiên, công tác huấn luyện cũng như học thuyết về việc sử dụng máy bay không người lái vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn, và liên kết dữ liệu của “Người bảo vệ” vẫn chưa hoạt động một cách hoàn hảo với các loại máy bay không người lái khác ngoài Đại bàng Xám.

Xuất kích từ tàu chiến trên biển là mục tiêu của Apache “Người bảo vệ”

Trực thăng Apache dự kiến sẽ hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ tới năm 2040. Hồi tháng 4/2016, quân đội Mỹ đã ký kết hợp đồng mới nhất với nội dung nâng cấp 117 chiếc Apache với tổng kinh phí 922 triệu tới năm 2018. Sau đó, 634 chiếc Apache “Cây cung” sẽ được nâng cấp thành Apache “Người bảo vệ” và 56 chiếc Apache Người bảo vệ AH-64Es sẽ được chế tạo mới. Một số chiếc Apache phiên bản “Người bảo vệ” sẽ được điều động vào tiểu đoàn Trinh sát – tấn công, thay thế những chiếc trực thăng OH-58 hết hạn sử dụng.

Không chỉ được biên chế trong quân đội Mỹ, trực thăng Apache “Người bảo vệ” còn được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có 50 chiếc cho Lực lượng Quân đội Anh. Một số nước khác cũng sẵn sàng chi tiền để được sở hữu trực thăng Apache là Ấn Độ (22 chiếc), Indonesia (8 chiếc), Hàn Quốc (36 chiếc)...

Mặc dù hãng Boeing đã phác thảo một đề xuất cho phiên bản Apache mới sau “Người bảo vệ” là AH-6F với nhiều tính năng được nâng cấp như động cơ lớn hơn, cánh quạt đuôi cộc để nâng cao khả năng điều chỉnh thăng bằng trên không. Tuy nhiên, Quân đội Mỹ mới đây đã tuyên bố họ không có ý định tiếp tục nâng cấp Apache để tập trung kinh phí cho việc phát triển một loại máy bay trực thăng thế hệ mới vào năm 2030. Bởi vậy, thay vì đề xuất nâng cấp phiên bản mới, Boeing đang xem xét việc thiết kế thêm vũ khí lazer cho “Người bảo vệ” bên cạnh tên lửa chống tăng như hiện nay.

Đọc thêm