Chuyện “học sử” của bộ đội xe tăng

(PLO) - Những năm gần đây, hoạt động giáo dục truyền thống thông qua các mô hình trực quan sinh động, giàu hình ảnh đã không còn xa lạ với cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 406 (Quân khu 2). 
Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 406 (Quân khu 2) 
học tập truyền thống bên mô hình trực quan trong khuôn viên doanh trại.
Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 406 (Quân khu 2) học tập truyền thống bên mô hình trực quan trong khuôn viên doanh trại.

Thay cho tâm lý căng thẳng khi kiểm tra nhận thức hay sự trầm lặng ở những giờ học chính trị là không khí hào hứng, phấn khởi của chiến sỹ trẻ khi cùng nhau tìm hiểu về những thành tích vẻ vang, truyền thống đáng tự hào của đơn vị và Quân đội nhân dân anh hùng…

“Quả cầu” lịch sử

Đến thăm Lữ đoàn xe tăng 406 (Quân khu 2) khi những tia nắng mùa thu bắt đầu dải những hạt vàng óng ả xuống các nương chè trên mảnh đất trung du. Điều cuốn hút chúng tôi hơn cả là tại các vị trí “đắc địa” nhất trong khuôn viên doanh trại, Lữ đoàn đều cho xây những quả cầu bằng xi măng, đường kính khoảng 1m, đặt trên một trụ bê tông chắc chắn, trên bề mặt khắc họa các bức tranh phản ánh đậm nét những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử dân tộc.

Ở cổng doanh trại, bức tranh đầu tiên là hình ảnh chiếc xe tăng số hiệu 390 của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 dũng mãnh lao lên húc đổ chiếc cổng chính Dinh Độc lập, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn trong ngày 30-4 lịch sử hơn 40 năm về trước. Cùng các bạn trẻ quây quần xung quanh hình ảnh lịch sử ấy, Đại úy Nguyễn Công Dũng - Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 - say sưa nói về truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội tăng thiết giáp, như trận bộ đội xe tăng tham gia đánh thắng hai trận then chốt ở Tà Mây, Làng Vây, trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (Quảng Trị), ngày 27/1 và 7/2/1968; tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của kíp xe 377, Tiểu đoàn 297, Trung đoàn 273 (Quân đoàn 3) tại trận Đắc Tô-Tân Cảnh trên Mặt trận Tây Nguyên 4/1972... 

Cùng Thượng tá Nguyễn Văn Chính - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 406 - tham quan một vòng doanh trại, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh lịch sử khác được khắc họa bởi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đơn vị: Hình ảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944); Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954); Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 308 tại Đền Giếng (19/9/1954) cùng những hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, con người Tây Bắc, tình đoàn kết quân dân… Tất cả các bức tranh giàu cảm xúc ấy đã phần không nhỏ giúp cho cảnh quan môi trường doanh trại Lữ đoàn xe tăng 406 thêm tươi tắn, sinh động.

Sinh động các biện pháp giáo dục

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Chính trị viên Tiểu đoàn 2 - công tác giáo dục truyền thống ở một số đơn vị cơ sở hiện nay còn khô khăn, cứng nhắc, phương pháp truyền đạt chưa sinh động, chưa thu hút được sự chú ý của chiến sỹ. Thêm vào đó, việc buộc phải đọc, phải nhớ nhiều số liệu lịch sử khác nhau với các trang sách dài dằng dặc khiến một số cán bộ, chiến sỹ trẻ có tâm lý e ngại, dẫn đến hiệu quả giáo dục chưa cao.

Do đó, việc chủ động đổi mới hình thức giáo dục truyền thống qua hệ thống mô hình trực quan tại Lữ đoàn 406 những năm qua đã giúp bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, tạo sự hứng thú trong quá trình tìm hiểu, học tập truyền thống của đơn vị. Binh nhì Trần Văn Nam - chiến sỹ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 - bày tỏ: “Vào thời gian rảnh rỗi, chúng tôi thường đi xem hết lượt các mô hình trong khuôn viên doanh trại rồi cùng trao đổi về các mốc lịch sử đáng nhớ của đơn vị, của đất nước và Quân đội. Nhờ thế mà chúng tôi có thể trao đổi, học tập truyền thống ở mọi lúc, mọi nơi, nhớ chi tiết từng sự kiện lịch sử, từ đó càng thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước, tự hào là người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…”.

Thượng tá Nguyễn Văn Chính cho biết thêm, bên cạnh các mô hình trực quan, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn còn chỉ đạo các đơn vị duy trì mô hình “Mỗi tuần một con số” với hình thức giáo dục mở, chủ đề thay đổi liên tục hàng tuần, tạo được niềm hăng say, khơi dậy trí tò mò và sự tự giác trong tìm hiểu về lịch sử truyền thống cho mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Chia sẻ về cách làm này, Trung tá Đặng Hồng Hải - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn - cho biết: “Để cán bộ, chiến sỹ “nhớ kỹ, nhớ sâu, nhớ lâu”, thay vì “nhớ nhiều, nhớ trước quên sau”, mỗi tuần đơn vị chỉ lựa chọn một con số, hoặc một khẩu hiệu gắn với dấu mốc lịch sử quan trọng, đáng tự hào của đất nước, Quân đội và đơn vị. Để có được con số ấy, cán bộ chính trị phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, cũng như có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ càng trước khi đưa ra câu hỏi cho mỗi tuần”.

Có thể khẳng định, đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 406, những con số, hình ảnh gắn liền với những sự kiện lịch giờ đây không đơn thuần chỉ là đề tài cần tìm lời giải mà thực sự đã trở thành sợi dây gắn kết tình cảm, sự gắn bó của mỗi người với đơn vị, giúp các bạn trẻ càng thêm tự hào về lịch sử đất nước, truyền thống Quân đội, thấy được vinh dự, trách nhiệm của mình khi trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhìn các chiến sỹ tuổi mười tám, đôi mươi say sưa nghiên cứu, sôi nổi thảo luận, chúng tôi chợt nhận ra một điều, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, hành trang họ sẽ mang ngoài những kỷ niệm đẹp đẽ tình đồng chí, đồng đội, còn có truyền thống anh hùng của Lữ đoàn xe tăng 406…

Đọc thêm