Chưa thấy lợi, toàn hệ lụy...
Theo Luật thuế số 71, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT từ nhập khẩu đến sản xuất và thương mại bán ra.
Thế nhưng, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, quá trình thi hành Luật số 71, việc giảm thuế VAT từ 5% về 0% để bán phân bón cho nông dân ở khâu đầu ra mới chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị. Thực tế, nông dân đang phải mua phân bón giá cao do chính sách thuế hiện hành không cho doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ VAT các mặt hàng đầu vào không có tên “phân bón”, như: nhà xưởng, công nghệ, nguyên liệu quặng, khí, than, giao thông và dịch vụ khác... để sản xuất ra phân bón. Và vì thế, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không còn cách nào khác buộc phải cộng thuế VAT vào chi phí giá thành làm ra phân bón cho các mặt hàng đầu vào này.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, sản xuất phân bón trong nước khi thực hiện Luật số 71 thì giá thành các loại phân bón bình quân tăng cao hơn trước khi thực hiện.
Thống kê của Hiệp hội này cho thấy, phân đạm (ure) tăng 7-7,6%, phân DAP tăng 7,3-7,8 %, phân lân nung chảy tăng 7,8-8%, phân supe lân tăng 6,5-6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6,1%. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang xây dựng mới, đổi mới, nâng cấp công nghệ bình quân giá thành còn tăng 9-10%.
Theo ông Thúy, qua 18 tháng thực hiện Luật số 71 đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế VAT chưa đưa lại lợi ích cho nông dân mà còn gây khó khăn, hệ lụy bức xúc, thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
“Thực tế, nông dân được hưởng 5 % giá phân bón không chịu VAT 5% nhưng doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ đầu vào bình quân 6,5-7% thì phần tăng này buộc nhà sản xuất phải cộng vào giá thành phân bón nên thực tế nông dân phải gánh chịu, chứ không ai khác”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ ra.
Bộ Tài chính báo cáo sai sự thật?
Theo tìm hiểu của PLVN, trong khi đa số bộ, ngành đồng ý với đề xuất của Hiệp hội Phân bón nên đưa phân bón vào lại diện chịu thuế VAT để kích thích sản xuất trong nước và hỗ trợ cho nông dân một cách thực chất hơn thì Bộ Tài chính - “cha đẻ” của việc cắt giảm thuế VAT cho mặt hàng phân bón về 0% lại một mực bảo vệ quan điểm này.
Trong một công văn gửi Văn phòng Chính phủ hồi cuối tháng 5/2016, Bộ Tài chính có nêu quan điểm của Bộ này về việc đưa hay không nên đưa VAT 5% cho phân bón. Cụ thể, phần cuối văn bản nói trên có nêu: Từ ngày 1/1/2015, có thuế VAT, người nông dân được giảm giá thanh toán bằng đúng mức 2% trên giá bán của thương nhân.
Cũng theo văn bản này, giá bán của doanh nghiệp sản xuất phân bón sau ngày 1/1/2015 so với giá có VAT trước ngày 1/1/2015 - thực tế đã tăng do thuế VAT đầu vào không được khấu trừ ở khâu sản xuất chỉ ở mức 0,71 %, thấp hơn nhiều so với mức người nông dân được giảm 2% ở khâu bán buôn, bán lẻ. Vì vậy, dù cộng hết thuế VAT đầu vào vào giá bán của doanh nghiệp sản xuất phân bón và doanh nghiệp vẫn giữ mức lợi nhuận tuyệt đối như trước ngày 1/1/2015 thì người nông dân vẫn được lợi nhiều.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, lý giải của Bộ Tài chính là “không đúng sự thật”. Theo đại diện tiếng nói của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì số liệu được lấy trong thời gian 6 năm, từ năm 2009 đến năm 2014 là không thực tế.
Ông Thúy cụ thể: giá Ure trên thị trường thế giới từ tháng 1/2015 - 15/6/2016 giảm 132-133 USD/tấn, giá DAP giảm 110-115 USD/tấn. Giá phân bón trong nước cùng thời điểm giảm 1.450 đồng/kg. Giá phân bón thế giới giảm là do giá dầu và đổi mới công nghệ.
“Bộ Tài chính mượn giá phân bón thế giới và trong nước giảm ngẫu nhiên để báo cáo với Chính phủ và Quốc hội tại Công văn 7083 nói do có Luật số 71 nên nông dân có lợi là không đúng sự thật. Tại sao Bộ Tài chính lại lấy tình hình thực hiện thuế VAT về phân bón từ năm 2009-2014 trước 6 năm Luật số 71 ra đời mà không lấy tình hình khách quan từ năm 2015 đến 5/6/2016 do giá phân bón thế giới và giá phân bón trong nước hạ để báo cáo. Bộ, ngành mà báo cáo như vậy thì Chính phủ điều hành đất nước sao được?”- Phó Chủ tịch Thúy lập luận.
Theo các nhà sản xuất phân bón trong nước, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa trong nước, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, quy định thuế hiện hành cho mặt hàng phân bón lại đang đi ngược với chủ trương này, bóp nghẹt nền sản xuất phân bón trong nước, làm lợi cho các nhà nhập khẩu từ đó ra gây hỗn loạn thị trường. Việc sửa luật, đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế VAT là đòi hỏi cấp thiết cho ngành phân bón để thiết lập lại trật tự cho thị trường này.
“Báo cáo vậy, Chính phủ điều hành sao được?”
“Bộ Tài chính mượn giá phân bón thế giới và trong nước giảm ngẫu nhiên để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội tại Công văn 7083 nói do có Luật số 71 nên nông dân có lợi là không đúng sự thật. Tại sao Bộ Tài chính lại lấy tình hình thực hiện thuế VAT về phân bón từ năm 2009 - 2014 trước 6 năm Luật số 71 ra đời mà không lấy tình hình khách quan từ năm 2015 đến 5/6/2016 do giá phân bón thế giới và giá phân bón trong nước hạ để báo cáo. Bộ, ngành mà báo cáo như vậy thì Chính phủ điều hành đất nước sao được?”, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam.