Còn kém về hiệu quả, phúc lợi nông dân
Báo cáo được công bố ngày hôm qua cho thấy bức tranh nông nghiệp Việt Nam khá u ám nếu không có bước chuyển đổi đáng kể trước những thách thức lớn về dân số, kinh tế và môi trường.
Theo đó, việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa gạo của hộ nông dân nhỏ trong thập kỷ 1990 và sau đó đã góp phần quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã đạt được sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức cao trong nhóm các nước thu nhập trung bình.
Nhiều nước đang tìm cách học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về đảm bảo an ninh lương thực. Trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, năng suất lúa của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc. Xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam cũng bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng nông sản đa dạng từ tôm, café tới hạt điều, gạo và hồ tiêu.
Tuy nhiên, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam không ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực nếu tính về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và nước. Năng suất yếu tố tổng hợp từng tăng trưởng mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống trong vài năm gần đây.
Khoảng cách giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng lớn và bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn ngày càng tăng. Hầu hết hàng nông sản của Việt Nam được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn các nước khác do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Ngay ở trong nước, an toàn thực phẩm còn là một vấn đề đáng quan ngại.
Phải tăng giá trị, giảm đầu vào
Cho rằng ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo cái giá phải trả về môi trường, ông Ousmane Dione (Giám đốc WB tại Việt Nam) nói: “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước những hiểm họa thời tiết và tác động của môi trường. Việt Nam cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân tốt hơn”.
Báo cáo của WB khẳng định tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phí lớn hơn về môi trường. Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp.
Do đó, tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất. Một số vấn đề môi trường hiện đang ảnh hưởng xấu đến cả năng suất lao động và vị thế quốc tế, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận đất đai đang là điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Việc thiếu cơ chế tích tụ ruộng đất, quyền tài sản không được đảm bảo đã không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô. Sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng.
Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững. Khu vực tư nhân, nông dân xứng đáng được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn. Cần quan tâm đến môi trường hơn, đảm bảo tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.