Ai Cập cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế

Quân đội Ai Cập, lực lượng được giao quyền lãnh đạo đất nước sau sự từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak, hứa hẹn thực hiện một cuộc “chuyển giao quyền lực trong hòa bình” cho “chính quyền dân sự được bầu” và cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế mà Ai Cập đã ký kết.

Quân đội Ai Cập, lực lượng được giao quyền lãnh đạo đất nước sau sự từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak, hứa hẹn sẽ thực hiện một cuộc “chuyển giao quyền lực trong hòa bình” cho “chính quyền dân sự được bầu” và cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế mà Ai Cập đã ký kết, trong đó có các hiệp ước hòa bình với Israel .

Ai Cập cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế ảnh 1
Người dân Ai Cập ăn mừng chiến thắng.

Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Ai Cập vẫn tiếp tục ăn mừng chiến thắng sự sụp đổ của Tổng thống Mubarak sau 3 thập kỷ nắm quyền. Người dân Ai Cập reo mừng trên quảng trường Tahrir ở Cairo , trung tâm của phong trào nổi dậy được phát động từ ngày 25/1 vừa qua.

Hội đồng tối cao quân đội Ai Cập, cơ quan gồm các lãnh đạo quân sự nắm quyền điều hành đất nước, cho biết chính phủ do ông Mubarak chỉ định vài ngày trước khi từ chức vẫn đang hoạt động để đảm bảo công việc quản lý các công việc hiện nay. Hôm qua, Chính phủ Ai Cập đã tiến hành cuộc họp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mubarak từ chức, hãng tin Mena cho biết.

Trong khi đó, Ai Cập “vẫn sẽ thực thi tất cả các hiệp định khu vực và quốc tế”, Hội đồng tối cao quân đội nhấn mạnh. Ai Cập là nước Ả rập duy nhất cùng với Jordani đã ký kết một hiệp định hòa bình với Israel .

Nhà nước Do Thái,  không giấu được lo ngại về việc chính quyền mới ở Cairo có thể thực hiện một chính sách thù địch với mình, đã hoan nghênh những “đảm bảo” từ phía Ai Cập, đồng thời tuyên bố thêm rằng hiệp định này là “một hòn đá tảng cho hòa bình và ổn định trong toàn khu vực Trung Đông”.

Ngoài ra, quân đội Ai Cập cam kết sẽ thực hiện một cuộc “chuyển giao quyền lực hòa bình” cho một chính quyền dân sự được bầu ra để xây dựng “một Nhà nước dân chủ tự do”.

Ai Cập cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế ảnh 2

Binh lính có mặt tại quảng trường Tahrir khi nhân dân vui mừng chiến thắng.

Tuy nhiên, quân đội Ai Cập chưa đưa ra lịch trình cụ thể cho tiến trình này. “Chính quyền hiện nay và những người điều hành sẽ tiếp tục công việc cho tới khi một chính phủ mới được thành lập”, Hội đồng quân sự tối cao do Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantaoui, 75 tuổi, đứng đầu tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh cam kết nói trên của quân đội Ai Cập trong việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự và tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Ai Cập.

Ả rập Xê út, nước ủng hộ ông Mubarak trong khi cuộc nổi dậy diễn ra, cũng hoan nghênh cuộc “chuyển giao quyền lực hòa bình” và tổ chức hội nghị Hồi giáo “chúc mừng” người dân Ai Cập đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo khác của Ả rập và Hồi giáo thúc đẩy cải cách ở nước này. 

Sáng qua, quảng trường Tahrir đã gần như đã trở lại bình thường, song khoảng vài trăm người vẫn tập trung tại đây sau chiến thắng của cuộc nổi dậy.

Trước đó, tối 12/2, hàng chục nghìn người vẫn tiếp tục tập trung ở quảng trường này trong niềm hân hoan cùng với tiếng nhạc Ả rập và những bài hát yêu nước. Nhiều tình nguyện viên còn mang theo chổi và túi để quét dọn quảng trường. “Hôm qua tôi đi biểu tình, còn hôm nay tôi xây dựng”, dòng chữ được viết trên áo các tình nguyện viên.

Về phần mình, quân đội Ai Cập đã tháo các hàng rào chắn và dây thép gai xung quanh quảng trường, sử dụng cần cẩu để thu dọn những bộ khung xe hơi bị đốt cháy vốn gợi lại các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, sau đó là giữa người ủng hộ và chống đối Tổng thống Mubarak, khiến ít nhất 300 người chết.

Ai Cập cam kết tôn trọng các hiệp ước quốc tế ảnh 3
Quảng trường Tahrir sáng qua.

Tại Ismailiya, thành phố lớn nằm bên kênh đào Suez , hàng trăm cảnh sát đã biểu tình để phản đối chống nạn tham nhũng trong lực lượng của họ. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh cho biết, hôm 12/2 600 tù nhân đã vượt ngục khỏi nhà tù Cairo khiến nhiều người bị chết và bị thương.

Trên bình diện pháp lý, công tố viên trưởng đã cấm cựu Thủ tướng Ahmad Nazif và Bộ trưởng Thông tin đương nhiệm Anas el-Fekki rời khỏi đất nước sau khi có những đơn kiện chống lại họ. Đài truyền hình nhà nước Ai Cập chỉ đưa tin về việc này ít lâu sau khi ông Fekki từ chức. Cũng theo đài truyền hình quốc gia, lệnh giới nghiêm đã được nới lỏng: bắt đầu từ giữa giữa đêm thay vì 20h00 và kéo dài tới 06h00. Sàn chứng khoán Cairo vốn đóng cửa từ ngày 27/1 sẽ mở cửa trở lại vào thứ Tư tới.

Bên cạnh Ai Cập, mấy ngày qua chính quyền của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Tunisia, bị sụp đổ sau một phong trào nổi dậy tương tự, Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali đã phải ra đi. Tại Yemen , hàng nghìn thanh niên hôm 12/2 cũng biểu tình tại Sanaa để kêu gọi Tổng thống Ali Abdallah Saleh từ chức.

Ông Mubarak tuyên bố từ chức vào ngày thứ 18 cuộc nổi dậy của dân chúng, trong khi hơn 1 triệu người biểu tình trên khắp Ai Cập – một nước có hơn 80 triệu dân. Theo đảng của ông Mubarak, ông đã rời Cairo tới Charm el-Cheikh (Sinai), nơi ông có một ngôi nhà riêng.

T.T (Theo AFP, BBC)