Ai chịu trách nhiệm về khăn ướt, sữa tắm chứa chất cấm tràn lan thị trường?

(PLO) - Trước nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa bổ sung quy định cấm 5 dẫn xuất Paraben và Methylisothiazolinone trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không cấm ngay mà vẫn để các doanh nghiệp có một khoảng thời gian khá dài lưu hành các sản phẩm chứa chất cấm. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng.
Chất cấm Methylisothiazolinone có trong sữa tắm Johnson and Johnson.
Chất cấm Methylisothiazolinone có trong sữa tắm Johnson and Johnson.
Chứa chất cấm nhưng chưa cấm ngay
Theo đó, Cục Quản lý Dược nêu rõ, 5 paraben được bổ sung vào danh mục cấm dùng trong mỹ phẩm gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7.
Trước đó, đã có rất nhiều tranh luận về nguy cơ gây ung thư, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản nam giới của các paraben. Năm 2004, một nghiên cứu của Anh đã tìm thấy paraben trong mẫu sinh thiết các khối u vú. Tuy nhiên, nghiên cứu này có những thiếu sót về phương pháp luận và điều này cũng được nhóm tác giả thừa nhận.
Ngoài ra, bản cập nhật về các chất sử dụng trong mỹ phẩm cũng quy định Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid); dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid). Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được chỉ phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/6/2016.
Hỗn hợp các chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) chỉ được sử dụng theo tỷ lệ nhất định. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.
Paraben là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả thuốc, mỹ phẩm. Methylisothiazolinone là chất tạo bọt. Hai chất này được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm…
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm, cập nhật các danh mục để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm an toàn. 
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương giám sát việc thực hiện quy định về thời hạn áp dụng đối với các sản phảm mỹ phẩm chứa các chất đã cảnh báo để đảm bảo sản phẩm lưu thông trên thị trường được an toàn.
Không an toàn, ai phải chịu trách nhiệm?
Trước việc Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế mới bổ sung quy định cấm 5 dẫn xuất Paraben và Methylisothiazolinone trong mỹ phẩm, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. 
“Theo tôi cần phải cấm ngay, đăng tải công khai danh sách những doanh nghiệp hiện sử dụng các chất cấm không phù hợp với sức khỏe người tiêu dùng như quy chuẩn của Cục Quản lý Dược. Đó là nhiệm vụ của Cục Quản lý Dược, đồng thời cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. 
Đã nguy hiểm thì phải cấm ngay chứ sao lại kéo dài thời gian lưu hành nữa? Theo tôi biết thì các sản phẩm này đều phải được Bộ Y tế phê duyệt khi nhập khẩu và lưu thông, sao lại đến bây giờ mới phát hiện ra thành phần nguy hiểm?” – chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy – Hà Nội) đặt câu hỏi.
Đồng tình với ý kiến trên, khách hàng Nguyễn Hoàng Sĩ phản hồi một cách thẳng thắn về Chuyên mục Tiêu dùng và Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam: “Đề nghị các cơ quan chức năng công bố xem trong thời gian cấm các sản phẩm có chứa chất Paraben và Methylisothiazolinone có hiệu lực thì hậu quả từ nay đến thời gian cấm đó, đơn vị nào chịu trách nhiệm với người dân không?”
Trong lúc Cục Quản lý Dược chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể cho người tiêu dùng, nhiều chuyên gia cho rằng, để lựa chọn được sản phẩm an toàn, chất lượng, mỗi khách hàng cần đọc kỹ thành phần trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, có một số nhà sản xuất nhỏ lẻ họ không để hết các thành phần lên. Nên người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của các thương hiệu uy tín, chất lượng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm