Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước dân?

(PLO) - Tin tức mới nhất về vụ lãnh đạo nhiều hơn nhân viên ở Hải Dương là ông Lưu Văn Bản - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Chí Linh, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương và ông Phạm Văn Tỏ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương - bị khiển trách. Nếu ở các nước văn minh hai ông này không còn lý do gì để ngồi ở “ghế” lãnh đạo, vì họ sẽ từ chức ngay. Với ta thế là “nặng” rồi vì từ chức thì lấy ai làm việc.
Ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương.
Ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương.

Ông Tỏ chỉ là “chưa tỏ”, “sơ suất” do anh em cấp dưới trình lên và “không xem xét kỹ”, nên đã đặc cách cho… con ruột mình giữ chức phó phòng tại Sở LĐ-TB&XH quê nhà mà thôi. Khuyết điểm rất đáng yêu vì suy cho cùng “nước mắt chảy xuôi”.

Thực tế, với đặc thù của nền công vụ Việt Nam hiện nay đưa một người vào biên chế đã khó, nhưng để sa thải họ ra lại còn khó hơn. Với vị trí lãnh đạo càng như vậy. Khi một cá nhân đã được bổ nhiệm thì sẽ gần như không có chuyện bị mất chức, chỉ trừ khi họ vi phạm pháp luật được báo chí phanh phui. Nhiều trường hợp chưa đuổi được nhân viên, lãnh đạo có khi đã “mất ghế” vì khối lãnh đạo “đơn thư” đầy mình.

Thực tế trong bộ máy công vụ có nhiều người làm việc không hiệu quả, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về cũng rất khó có chuyện bị mất chức mà phải chờ hết “nhiệm kỳ”. Vì thế, bất kỳ sai lầm nào trong công tác cán bộ, đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo nhân dân sẽ đều phải trả giá rất đắt.

Điều nguy hiểm hiện nay là là tình trạng bổ nhiệm “nhầm người” đang diễn ra phổ biến. Từ Nam chí Bắc, từ Trịnh Xuân Thanh/và thuộc hạ cho đến các ông/bà trưởng phòng nơi nọ, nơi kia hoặc câu chuyện nhân viên tạp vụ “lên” trưởng phòng, lái xe thành chủ tịch hội đồng khoa học… Những cuộc “bổ nhiệm nhầm” hay “bổ nhiệm thần tốc” được báo chí phát hiện giúp các cơ quan có trách nhiệm thời gian qua cho thấy hầu như đó mới chỉ là phần nổi ít ỏi của tảng băng chìm. 

Khi những sai sót liên quan đến việc bổ nhiệm con trai mình được đưa lên báo chí, ông Phạm Văn Tỏ nói trên đã thưa rằng: “Tôi xin chịu trách nhiệm, tự nhận hình thức kỷ luật trước lãnh đạo tỉnh Hải Dương”. Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước dân?. Không ai cả, không ai biết “mở miệng” nói một lời xin lỗi dân/với cán bộ chính quyền, với đảng viên/với lãnh đạo cấp ủy. 

Một quyết định bổ nhiệm có thể được “ký nhầm”, một cán bộ có thể được “ngồi nhầm” chỗ, nhưng thần dân của những người lãnh đạo được “bổ nhiệm nhầm” thì sao? Rõ ràng không thể “sống nhầm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Đúng vậy. Đáng tiếc là “cái gốc” đã và đang được đặt nhầm. Chúng ta đã và đang trả giá cho hậu quả mà cái chữ ký “bổ nhiệm nhầm”, không biết đến bao giờ hết “ông Tỏ” mà “chưa tỏ”?.

Đọc thêm