Ai tạo lực cản tiến độ các dự án điện, đường trọng điểm quốc gia?

(PLVN) - Đường dây 500 kV (mạch 3), cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được thiết lập biểu đồ tiến độ rất rõ ràng; thậm chí, các chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tính toán cả thời điểm “cán đích”. Nhưng thực tế tại các địa phương, nơi dự án đi qua, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là vấn đề thực sự “xương”.

Sau gần 2 tháng khởi công, cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (qua Quảng Trị) mới bàn giao được 26km.
Sau gần 2 tháng khởi công, cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (qua Quảng Trị) mới bàn giao được 26km.

10 tháng mới giao 1.100/1.606 vị trí móng cột

Đến thời điểm này, Dự án đường dây 500kV (mạch 3) do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư chạy qua 9 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã khởi công được 10 tháng; Dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lộ - La Sơn) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng đã động thổ gần 2 tháng. Đây đều là những dự án trọng điểm, cần triển khai cấp bách, nên trước đó cả hai ngành này đều đã làm việc rất chi tiết với các tỉnh, thành phố để công tác xây lắp có thể tiến hành ngay sau khi phát lệnh khởi công.

Thế nhưng, những thống kê mới nhất cho thấy, GPMB vẫn đang là một lực cản rất lớn đối với các dự án. Cụ thể, tính đến giữa tháng 10/2019, chủ đầu tư Dự án đường dây 500kV (mạch 3) mới chỉ bàn giao được khoảng hơn 1.100/1.606 vị trí móng cột để các nhà thầu thi công trên toàn tuyến từ Hà Tĩnh đến Gia Lai, trong khi theo Hợp đồng đã ký trước đó giữa “A - B”, cuối tháng 5/2019, chủ đầu tư phải bàn giao xong toàn bộ mặt bằng cho đơn vị xây lắp để kịp hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm sau.

Ở Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hiện cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự khi tới thời điểm này, các nhà thầu thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng chưa thể triển khai đồng loạt trên công trường. Cụ thể, đoạn này qua Quảng Trị hơn 37km nhưng địa phương mới bàn giao được khoảng 26km, vì một số nơi đang có tranh chấp đất đai và tài sản trên đất, trong đó nổi cộm là vị trí đất trước đây giao cho Cục Hải quan Quảng Trị quản lý, trồng rừng sau đó bỏ hoang. Nhiều người dân địa phương đến đây trồng cây rồi sang tay, gây khó khăn trong kê kiểm, quy chủ...

Trao đổi với PLVN, ông Phùng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam - một đơn vị trong liên danh thi công Gói thầu XL2 đoạn qua tỉnh Quảng Trị cho hay, đến thời điểm này, huyện Triệu Phong và các Sở, ngành mới “chốt” được số liệu đền bù với dân, và hiện nhà thầu đang có mặt tại đây để phối hợp giải quyết dứt điểm. “Địa phương hứa tới 15/11 này mới có mặt bằng “sạch” cho công tác thi công”, ông Phùng Tuấn Anh thông tin thêm.

Trước thực tế nêu trên, các đơn vị xây lắp đã vận dụng nhiều cách như tăng cường dân vận, tự ứng kinh phí, thỏa thuận với người dân để mượn mặt bằng thi công trong thời gian chờ các địa phương niêm yết phương án đền bù công trình điện. “Nhằm đảm bảo tiến độ đường dây qua khu vực Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tháng nào lãnh đạo công ty chúng tôi cũng có mặt ở hiện trường kết hợp với chính quyền, các đoàn thể và những người có uy tín trong các khu dân cư vận động bà con nhân dân tạo điều kiện cho nhà thầu có mặt bằng phục vụ dự án”, ông Nguyễn Kim Cương - Giám đốc Công ty CP Lắp máy (INCO) - một trong số ít nhà thầu có tiến độ thi công tương đối khả quan cho hay.

Với những vướng mắc như hiện nay, đường dây 500kV mạch 3 có nguy cơ "lụt" tiến độ so với kế hoạch ban đầu?
Với những vướng mắc như hiện nay, đường dây 500kV mạch 3 có nguy cơ "lụt" tiến độ so với kế hoạch ban đầu?

Bộ GTVT chỉ đích danh 2 địa phương chậm trễ

Có thể thấy, các chủ đầu tư các dự án trên đã triển khai khá bài bản các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã đến các tỉnh, thành phố làm việc với lãnh đạo tất cả các địa phương về công tác đền bù GPMB, xây dựng các khu tái định cư (đối với cao tốc Bắc - Nam)… Một số địa phương trước sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ cũng đã cam kết đồng hành với chủ đầu tư để triển khai dự án. Tuy nhiên, thực tế triển khai, có nơi, có lúc vẫn khá chậm, và trong trường hợp này nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì nhiều dự án chắc chắn sẽ “lụt” tiến độ.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đã dự kiến bố trí 89 khu tái định cư tập trung, với khoảng 3.760 hộ dân. Các địa phương đang khảo sát, thiết kế các khu tái định cư. Vốn phục vụ cho GPMB cũng đã được cấp 4.367 tỷ đồng về các địa phương. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ GTVT đã chỉ đích danh hai địa phương đang chậm chạp trong khâu GPMB, đó là Đồng Nai và Tiền Giang.

Điển hình, tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, trong khi tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm và đang xây dựng khu tái định cư, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2019, thì tỉnh Đồng Nai vẫn đang trong quá trình đo đạc, kiểm đếm và làm thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch để xây dựng khu tái định cư.

Ở Dự án đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và Sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, một nguồn tin của PLVN cho hay, dự kiến hôm 25/10, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình sẽ áp dụng biện pháp bảo vệ thi công để triển khai dự án nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì đã hoãn lại?.

“Tại vị trí này, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền thì mới tiến hành thi công được. Nếu không sẽ không thể làm gì vì xe máy vừa ra công trường là người dân đến chặn trước đầu xe”, nguồn tin trên cho biết.  

Đọc thêm