Chuyện bắt đầu từ việc hai vợ chồng anh Trần Minh Phước (23 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) được một người đàn bà chuyên làm từ thiện nhờ chia cơm vào các buổi chiều hàng ngày cho những người vô gia cư. Khoảng 19h ngày 11/8, như thường lệ, anh Phước cầm hơn 40 hộp cơm cho những người lang thang ở khu vực đường Phạm Đình Hổ giao nhau với đường Lê Quang Sung (thuộc Phường 2, Quận 6, TP.HCM). Khi giao được khoảng một nửa thì có một tên lang thang thường gọi là Thanh, cũng là bạn anh Phước, đến xin cơm.
Khi Thanh đến thì có nhiều người già và trẻ em tàn tật cũng vây quanh. Anh Phước thường phát cho người già trước rồi mới đến lượt các thanh niên, nhưng Thanh vì quá háu ăn nên đã cáu với người phát cơm: “Mày sao không đưa cơm cho tao?”, anh Phước trả lời: “Mày từ từ, tao đưa cho người già đã chứ, trước sau gì cũng có mà”.
Thanh nghe nói liền tức tối lôi con dao trong người ra đâm liên tiếp vào cổ của người phát cơm, khiến mọi người hoảng sợ chạy tán loạn. Vợ nạn nhân đang ngồi ăn xin gần đó vội chạy đến ôm chồng, một tay vẫn đang bế đứa con trai hơn hai tuổi nên không thể làm được gì chống đỡ khi tên Thanh tiếp tục chạy vào một nhà bán gạo gần đó ăn trộm cây xiên gạo để đâm thêm vào nạn nhân.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng, vợ nạn nhân nức nở: “Hắn đã muốn đánh chồng em lâu rồi, tại cả tuần nay cứ khi nào chia cơm hắn cũng muốn dành ăn trước, mà chỉ có mình chồng em phát cơm, số lượng cơm có hạn nên chồng em ưu tiên cho người già, người tàn tật và trẻ nhỏ trước, thanh niên khi còn mới đến lượt. Vậy mà nó không chịu, mỗi lần phát cơm nó chửi bới chồng em, dọa đánh chồng em, hôm đó chắc nó biết trước là chồng em sẽ chia phần cơm cho người già trước nên nó đưa dao thủ sẵn, chứ dao ở đâu mà để nó đâm. Khi em ôm chồng khóc rồi nó cũng không tha, còn chạy vào lấy cây xiên gạo đâm chồng em đến chết”.
Hung thủ quá hung hãn, sau khi hắn bỏ đi, người dân mới dám xúm vào đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không cứu được. Vợ nạn nhân khóc ngất bên thi thể chồng. Chị cho biết tên là Hứa Thị Thanh Tâm (31 tuổi), người gốc Huế, đã vào TP.HCM hơn 10 năm.
Thời con gái chị cũng đi khắp nơi trên đất nước vì ham chơi, đua đòi, nhưng dừng lại ở mảnh đất này vì chẳng còn nơi nào mà đi nữa. Năm 20 tuổi chị đã nghiện ma túy, thân hình gầy gò của chị cũng do di chứng ma túy để lại, vào trại cai nghiện như cơm bữa nhưng vẫn không cai nổi.
Hiện trường vụ án |
Năm 2009, chị ra trại sau hai năm cai nghiện bắt buộc, về nhà thì gia đình đã đi Mỹ hết, hơn nữa sau nhiều năm họ khuyên nhủ chị mãi không được, đã tốn bao nhiêu tiền để chị đi cai cũng không xong nên gia đình chán, không còn liên lạc nữa. Chị Tâm chọn địa bàn Quận 6 làm nơi cư trú, sau đó tình cờ gặp anh Phước, dù hơn nhau một con giáp nhưng hai người đã “kết” nhau và đến với nhau như vợ chồng.
Người đàn bà tâm sự, người lang thang sống đơn giản nên nghĩ cũng giản đơn lắm, cứ thích nhau là ngủ với nhau, rồi gọi nhau là “chồng ơi, vợ ơi” chứ chẳng cần cưới xin hay đăng ký. Anh Phước và chị Tâm cũng vậy, hạnh phúc của họ chỉ đơn thuần là buổi sáng mở mắt ra đi xin được 5 – 10 ngàn đồng, vợ chồng con cái mua mấy cái bánh mỳ, ngồi một xó xỉnh nào đó trong công viên ăn ngon lành, khát nước thì xin các quán cơm ca trà đá, hai vợ chồng uống chung.
Cuộc sống vất vả hơn khi có con, nhưng cũng chẳng có gì quá phải suy nghĩ với họ, bế con đi xin tiền mua sữa, dù đôi lúc cũng chẳng xin được xu nào thì hai vợ chồng lại động viên nhau qua cơn đói.
Chị Tâm nghẹn ngào: “Dù đôi lúc hai vợ chồng chẳng có gì ăn, nhưng mà vẫn thương yêu nhau lắm, anh Phước cực kỳ thương vợ con. Khi nào có món gì ngon cũng để dành về phòng mới ăn, hoặc khi có 3 người thì cùng nhau ăn, cho dù có đói mấy anh Phước cũng không ăn một mình, bây giờ anh ấy chết rồi, tôi chẳng biết phải sống thế nào, con tôi thì quá nhỏ”. Nhìn người vợ thân hình tiều tụy, đôi mắt thất thần ôm đứa con sau cái chết đột ngột của người chồng, ai cũng không khỏi xót xa.
Nhà nghèo không có nổi cái quan tài chôn con
Một ngày sau khi vụ án xảy ra, tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bà Trần Tố Trân (57 tuổi, mẹ của nạn nhân Phước) nước da đen đúa, khuôn mặt méo mó vì đau đớn lâu lâu lại nức nở gọi tên con. Giữa trưa nắng gắt, tiếng khóc của người mẹ văng vẳng trong không khí tang thương lạnh lẽo của nhà xác bệnh viện càng thêm ai oán. Nỗi đau mất con khiến bà không thiết tha gì đến những người xung quanh, cũng chẳng đoái hoài đến những câu hỏi mà các phóng viên muốn chia sẻ cùng bà.
Sau một hồi cố gắng trấn tĩnh, bà mới nghẹn ngào kể: “Sáng hôm qua hai mẹ con còn gặp nhau, cũng chẳng nói nhiều được với nó lời nào. Tôi suốt ngày đi giúp việc cho người ta, nó cũng vật vã kiếm miếng cơm bằng đủ thứ việc, thương con mà cũng chẳng biết làm sao, bây giờ nó đi phát cơm từ thiện cũng bị người ta đâm chết, thằng bé hiền lắm, nó là người sống rất tình cảm, bây giờ người ta giết nó rồi, tôi sống ra sao”.
Mẹ nạn nhân |
Dù anh Phước đã 23 tuổi, có vợ, có con, nhưng người mẹ vẫn trìu mến gọi anh là “thằng bé”. Bà Trân tâm sự, gia đình bà tuy là dân thành phố nhưng con cái còn khổ hơn cả dân nông thôn, cái nhà cũng không có mà ở, từ nhỏ đến lớn đều phải đi ở nhà trọ. Bà chuyên đi giúp việc cho nhà giàu, chồng bà thì làm đủ thứ nghề lao động vất vả để có tiền cho ba đứa con đủ ăn. Bà ngậm ngùi: “Tôi cảm thấy thương Phước vô hạn, nó là con trai đầu nên mọi sự vất vả nó chịu hết, từ nhỏ đã thiếu thốn đủ bề, lớn lên nó thấy ở nhà ăn bám bố mẹ mãi cũng không đượ nên đòi đi ra ngoài”.
Năm 17 tuổi, Phước rời cha mẹ ra ngoài bắt đầu mưu sinh. Cuộc sống lang thang vật vã lại càng bi đát hơn khi Phước gặp người “vợ hờ” nhiều hơn tới 12 tuổi, mặc cho gia đình phản đối dữ dội. Bà Trân chua chát: “Tôi vì thương thằng cháu chứ không thể chấp nhận cái con Tâm đó, nó nhìn như con khùng ấy làm sao tôi cưới xin cho con tôi được, nên tôi không nhìn mặt con Tâm, nhưng cháu thì tôi vẫn thương”.
Thấy cuộc sống con trai cơ hàn, bà Trân cũng buồn, thương đứa con trai của mình bao nhiêu lại tự giận bản thân vì không làm gì để giúp con được. Bà nức nở: “Nó tội lắm! Sống suốt cuộc đời khổ sở, bây giờ nó chết, tôi cũng chẳng có hòm chôn nó, vợ nó thì cù bơ cù bất, làm sao mà lo gì cho nó được. Bây giờ căn phòng trọ tôi chật lắm, mà chắc gì chủ trọ cho đưa xác con trai tôi về, nên tôi nhờ em gái ma chay cho con, cũng cho qua một kiếp người. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại ra tay giết nó như thế”.
Gia đình anh Phước đã nhiều đời nghèo “không cất mặt lên được”, nay anh gặp nạn, cha mẹ nghèo, vợ “cù bơ cù bất”, đứa con nhỏ rồi biết tương lai sẽ ra sao?
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận 6, TP.HCM đang khẩn trương điều tra, truy bắt hung thủ để xử lý nghiêm trước pháp luật về hành vi “Giết người”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Gia Vinh - Văn phòng tâm lý TP.HCM: “Nguyên nhân sâu xa của vụ án xuất phát từ sự quá thiếu thốn của những người lang thang”
Trong vụ án thương tâm này, nguyên nhân sâu xa từ sự quá thiếu thốn của những người lang thang. Tâm lý của hung thủ sống bất cần, chẳng nghĩ đến chuyện gì ngoài miếng ăn bỏ vào bụng, nên cũng chỉ vì một việc nhỏ nhặt có thể gây nên sự thù ghét. Những mâu thuẫn không được giải quyết từ gốc rễ, đáng lẽ ra cái sự ấm ức của hung thủ được hai bên giải tỏa thì đã không có chuyện đáng tiếc. Nhưng sự nhận thức của họ còn quá yếu kém, nên gây ra hậu quả đau lòng.