Phiên tòa “kỷ lục” triệu tập 946 nhân chứng và người liên quan

(PLO) - Dù chỉ có 20/946 người được triệu tập chịu đến phiên tòa, nhưng dư luận vẫn băn khoăn: Nếu toàn bộ những người liên quan chịu đến, có khán phòng nào chứa được từng ấy người, hay phải mang vụ án ra một… quảng trường để xét xử, và nếu thẩm vấn thì phải cả tháng mới xong?
Bị cáo Lê Thị Minh Trang trước vành móng ngựa
Bị cáo Lê Thị Minh Trang trước vành móng ngựa
Sáng 12/8, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã mở phiên tòa xử bị cáo Lê Thị Minh Trang (SN 1984, ngụ 120/39 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang, nguyên Trung úy PC67 Công an tỉnh Khánh Hòa) về tội “tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
Tuy nhiên, sau đó tòa đã quyết định hoãn xử vì vắng mặt quá nhiều người có nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và giám định viên. Tòa triệu tập 179 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cùng 767 người làm chứng, là một trong những phiên tòa có số người liên quan và người làm chứng kỷ lục lịch sử xử án Việt Nam.
Viết sai lệch hóa đơn để tư túi
Theo hồ sơ vụ án, Trang nhận công tác tại đội đăng ký, quản lý phương tiện, thuộc PC67 từ tháng 5/2008. Trang được giao nhiệm vụ sắp xếp hồ sơ, dán ép giấy đăng ký xe, lưu trữ hồ sơ, rồi sau đó được giao thêm nhiệm vụ thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe mô tô khi cán bộ được phân công thu tiền phí, lệ phí đi vắng. 
Quy trình đăng ký, cấp biển số xe mô tô thực hiện như sau: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế xe và kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ các thủ tục, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ cho cán bộ phụ trách máy vi tính để làm thủ tục cho người dân bấm máy chọn số ngẫu nhiên. Khi có kết quả bấm chọn số, cán bộ phụ trách máy vi tính (hoặc cán bộ cấp biển số) viết giấy hẹn với các thông tin như: Họ tên người đăng ký, biển số xe, số khung, số máy, địa điểm, thời gian nhận giấy chứng nhận đăng ký, rồi ghi tắt về mức tiền thu phí, lệ phí dưới cùng góc bên trái của giấy hẹn.
Khi ghi xong, giấy hẹn được chuyển cho cán bộ thu tiền phí, lệ phí để thu tiền, viết biên lai thu và được giao cho chủ xe (Biển số xe, giấy hẹn, biên lai liên 2 thu tiền). Đúng thời gian theo giấy hẹn, chủ xe đến nhận cà vẹt, phải xuất trình giấy hẹn cho cán bộ được phân công trả giấy. Sau khi kiểm tra, cán bộ Đội đăng ký quản lý phương tiện sẽ giao cà vẹt cho chủ xe, thu giấy hẹn lại và hủy ngay sau đó vào giỏ đựng rác. Giấy hẹn này không lưu cuống và không có quy định phải lưu ở PC67.
Từ quy trình trên, Trang phát hiện sơ hở không buộc phải lưu giấy hẹn, những người đến nhận cà vẹt đều phải nộp giấy hẹn và được gom vào giỏ rác để hủy. Trang tin rằng số tiền mình thu được qua biên lai sẽ không còn cơ sở để đối chiếu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và sẽ không có ai kiểm soát, phát hiện được. 
Sau khi nhận biên lai do đơn vị cấp, Trang đem về nhà kê giấy than lên liên 2, liên 3 viết trước lên liên 1 các thông tin như: Ở dòng địa chỉ ghi: “NT” (Nha Trang); dòng lý do nộp ghi: “Lệ phí + Bsố mô tô”; dòng số tiền bằng số ghi: “…00.000đ”; dòng số tiền viết bằng chữ ghi: “… trăm ngàn đồng chẵn”; dòng hình thức thanh toán ghi: “TM” (Tiền mặt); dòng ngày tháng năm chừa trống, dòng người thu tiền Trang ký, ghi rõ họ tên của mình. 
Kế tiếp, Trang rút giấy than ở liên 2 ra, viết lên liên 1 ở dòng số tiền bằng số “2”, dòng số tiền bằng chữ “Hai”. Tiếp theo, Trang rút giấy than ở liên 3 ra, kê vào liên 2 và viết trực tiếp lên giấy than ở dòng số tiền bằng số “4” và dòng số tiền bằng chữ “Bốn”. 
Khi thu tiền lệ phí của chủ xe (theo quy định đối với xe môtô có giá trị từ từ 15 triệu đồng trở xuống mức thu 200 ngàn đồng/xe khi đăng ký; Đối với xe có giá trị trên 15 - 40 triệu đồng mức thu 400 ngàn đồng/xe; Đối với xe có giá trị trên 40 triệu đồng mức thu 800 ngàn đồng/xe), Trang chỉ cần viết biển số xe, tên của chủ phương tiện và điền ngày, tháng, năm vào biên lai. Như vậy, số tiền thu ghi tại liên 1, liên 3 là 200 ngàn còn số tiền thực tế thu và ghi tại liên 2 giao cho chủ phương tiện là 400 ngàn đồng. Thông qua đó, Trang đã chiếm đoạt được số tiền chênh lệch ít nhất 200 ngàn đồng/1 biên lai. 
Tham ô tiền tỷ nhưng chỉ chứng minh được 41 triệu? 
Thời gian đầu, hành vi chiếm đoạt tiền lệ phí thu được của Trang chưa nhiều. Hơn nữa, do sợ bị phát hiện nên việc viết sai lệch giữa các liên của biên lai thu tiền trong một quyển không liên tục, chỉ ghi sai lệch khoảng 1/3 - 1/2 quyển biên lai. Càng về sau, Trang càng gian lận nhiều. 
Đầu năm 2009, Trang sử dụng cùng lúc nhiều quyển biên lai để thu tiền; và cả quyển biên lai đều ghi sai lệch số tiền thu. Những quyển biên lai ghi sai này, Trang đánh dấu “x” phía trên góc trái ngoài bìa. Khi sử dụng hết quyển biên lai, Trang viết số “200” đè lên dấu “x”, mục đích phân biệt với các quyển biên lai ghi đúng, thu đủ (không có sự chênh lệch giữa liên 3).
Quá trình điều tra cho thấy, trong thời gian từ ngày 1/1/2008 đến ngày 21/5/2011, Trang đã thu tiền phí, lệ phí đăng ký xe môtô sai với quy định của Nhà nước 9.508 xe; trong đó thu thiếu 9.473 xe, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước 2,069 tỉ đồng; thu thừa 35 xe, gây thiệt hại cho chủ phương tiện 7 triệu đồng. 
Toàn bộ số tiền phí, lệ phí đăng ký xe mô tô sau khi thu được, Trang đem cất vào tủ cá nhân hoặc gửi vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Đến thời gian phải giao nộp cho kho bạc, Trang làm thủ tục rút số tiền đó về nộp. Riêng số tiền chênh lệch, Trang khai đã đưa hết cho Phạm Thị Khánh (nguyên Đội phó đội đăng ký quản lý phương tiện) nhưng tại cơ quan điều tra, bà Khánh đã phủ nhận hoàn toàn lời khai đó của Trang. Bản thân Trang cũng không có tài liệu gì để chứng minh. 
Do cơ quan điều tra chỉ thu được 150 tờ biên lai (liên 2) thể hiện số tiền Trang ghi ở liên 2 cao hơn số tiền ghi ở liên 1 và liên 3 nên VKS đã truy tố Trang tham ô chiếm đoạt số tiền 41,6 tỉ đồng. Số tiền còn lại 2.036.618.083 đồng, mặc dù Trang khai nhận có chiếm đoạt, cũng với phương thức thủ đoạn nêu trên, nhưng cơ quan điều tra không thu được liên 2 của biên lai và các giấy hẹn có ghi tắt số tiền phải nộp của mỗi xe nên không đủ cơ sở chứng minh Trang chiếm đoạt số tiền này. Tuy nhiên, Trang phải chịu trách nhiệm về việc gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền trên.
Theo nhận định của cơ quan điều tra thì đây là vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản”. Hành vi của Trang là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng CSGT nói riêng và ngành Công an nói chung, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Xử lý kỷ luật nhiều CSGT liên quan
Cũng theo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình điều hành, chỉ huy và quản lý của một số lãnh đạo PC67 và chỉ huy Đội đăng ký quản lý phương tiện đã có hành vi buông lỏng trong công tác quản lý, không kiểm tra, giám sát việc thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe môtô trong thời gian dài (từ 1/8/2008 đến 2011) mới bị phát hiện, để cho Trang và một số cán bộ chiếm đoạt tiền và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại cho các phương tiện. 
Cụ thể là các cá nhân ông Phan Long Để (Trưởng phòng PC67, phụ trách chung, phụ trách công tác xây dựng lực lượng và trực tiếp quản lý Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 1/1/2008 - 30/6/2009); bà Cao Thị Đoàn (Phó trưởng phòng PC67, trực tiếp quản lý Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 1/7/2009 - 31/5/2011); ông Cao Cân (Nguyên Đội phó phụ trách Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 25/1- 24/6/2008 và từ ngày 9/10/2010 - 31/5/2011); ông Văn Hùng (Nguyên Đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 25/6/2008 - 24/6/2009); ông Huỳnh Dương Tuấn (Nguyên phụ trách Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 27/6/2009 - 8/10/2010); bà Phạm Thị Khánh (Nguyên Đội phó Đội đăng ký quản lý phương tiện từ ngày 25/6/2008 - 31/5/2011). Hành vi của những người này có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 285 BLHS. 
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều hành, chỉ huy và quản lý của một số lãnh đạo PC67 và chỉ huy Đội đăng ký quản lý phương tiện gồm ông Phan Long Để, bà Cao Thị Đoàn, ông Cao Cân, ông Văn Hùng, ông Huỳnh Dương Tuấn, bà Phạm Thị Khánh đã không kiểm tra, giám sát việc thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe mô tô, để cho Trang chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây thiệt hại cho các chủ phương tiện. Khi phát hiện ra sai phạm của Trang lãnh đạo Phòng PC67 đã báo cáo kịp thời toàn bộ sự việc lên cấp trên để xem xét chỉ đạo xử lý. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ quan CSĐT làm rõ vụ án. Các cá nhân trên là những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Công an. Sau khi sự việc xảy ra. Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định xử lý kỷ luật hành chính. Vì vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân trên.

Đọc thêm