Không chỉ riêng năm 2010 mà khoảng 5 năm lại đây, ngành Tư pháp liên tục tổ chức các chuyến đi về cơ sở. Các chuyến đi đó không chỉ giúp lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành mà còn thêm hiểu, chia sẻ với những khó khăn trong công tác Tư pháp địa phương. Hoạt động này được cơ sở đánh giá cao.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai |
“Trăm nghe không bằng một thấy”
Trong một lần được cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu lên Hà Giang, tôi đã gặp một cán bộ Sở Tư pháp còn rất trẻ. Là người miền xuôi, tốt nghiệp ĐH, chàng thanh niên này tình nguyện lên vùng cao Hà Giang và “đầu quân” vào Sở Tư pháp. Yêu nghề và khát khao cống hiến nhưng giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, cán bộ trẻ cũng rất nhiều nỗi niềm “tâm sự”.
Chưa bao giờ được dự một cuộc họp quan trọng như vậy nên phải được Bộ trưởng khuyến khích, cán bộ này mới dám đứng lên. Cậu nói rất thật về câu chuyện tiền lương eo hẹp, trong khi cuộc sống xa nhà là bộn bề thứ phải lo và mạnh dạn đề nghị “làm sao cải thiện chế độ cho cán bộ tư pháp miền xuôi lên miền núi để chúng tôi yên tâm công tác”.
Được Bộ trưởng động viên và thông báo những chủ trương trong thời gian tới, cán bộ này rất phấn khởi. Cậu giãi bày: “Em biết với cương vị người đứng đầu ngành Tư pháp, Bộ trưởng rất hiểu câu chuyện này, nhưng một lời được nói ra với Bộ trưởng và được Bộ trưởng lắng nghe em cũng thấy nhẹ lòng. Liên quan đến một chính sách lớn, không phải ngày một ngày hai mà giải quyết được, cho nên trước hết em xác định tự mình phải phấn đấu, ngành Tư pháp có một vị trí tốt trong xã hội thì tất “hữu xạ tự nhiên hương”.
Nói lên những khó khăn, không chỉ là trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà là cả những tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống là những mong mỏi của cán bộ Tư pháp cơ sở với các Đoàn công tác của Bộ Tư pháp. Rõ ràng giờ đây, khi các chuyến đi về cơ sở ngày càng nhiều, thì quan hệ giữa Trung ương và địa phương không chỉ là “cấp trên, cấp dưới”.
Phản ánh từ địa phương, trước mắt được Bộ giải đáp trực tiếp, những vấn đề không thể giải đáp trực tiếp thì được ghi nhận để giải đáp bằng văn bản. Lâu dài, những vướng mắc từ cơ sở sẽ được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành.
Rất nhiều lãnh đạo ngành Tư pháp từng bày tỏ, họ rất mong mỏi và phấn khởi khi có những đoàn công tác của Bộ Tư pháp về địa phương bởi “trăm nghe không bằng một thấy”. Và cũng có những vấn đề chỉ khi lãnh đạo ngành xuống tận nơi, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương mới “gỡ” được.
Năm 2010, ngoài các chuyến đi định kỳ như kiểm tra công tác tư pháp 6 tháng, một năm, đều trên các mặt hoạt động ngành tư pháp đều tổ chức các chuyến đi cơ sở, như Thi hành án có kiểm tra toàn diện và kiểm tra việc phân loại xử lý án tồn đọng và giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số địa phương; Bộ Tư pháp cũng tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL của Chính phủ tổ chức kiểm tra tại một số Bộ, ngành, địa phương; kiểm tra thực hiện Luật Công chứng, thanh tra, kiểm tra tại một số tổ chức hành nghề công chứng, luật sư…
Ngoài ra, khi có những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ Tư pháp kịp thời tổ chức các chuyến đi “nóng” nhằm phát hiện và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ cơ sở.
Ngày càng hướng mạnh về cơ sở
Khi chủ trương hướng về cơ sở ngày càng sâu rộng thì các chuyến đi của Bộ Tư pháp cũng không theo một kế hoạch ấn định sẵn, có việc là đi, trên hết để giải quyết tốt nhất các nhiệm vụ chuyên môn. Nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến dân, một ngày bị “treo” là thiệt hại không thể đong đếm. Một lãnh đạo Ngành Tư pháp từng nói rằng, nếu có khó khăn thì cơ quan nhà nước nên nhận khó khăn đó về mình để giải quyết công việc cho dân, có thế mới là công bộc của người dân.
Điểm các chuyến đi trong những ngày đầu năm mới, ngay sau Hội nghị ngành Tư pháp toàn quốc được triển khai có thể kể đến là những chuyến đi của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị về địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Năm nay, trong kế hoạch đi cơ sở nổi bật là việc kiểm tra việc triển khai, thực hiện Đề án “đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; các đoàn kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra; kiểm tra chéo việc thực hiện các lĩnh vực hoạt động của ngành; kiểm tra công tác chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi ở 1/3 xã, phường; kiểm tra đối với các đơn vị án lớn, án tồn đọng nhiều…
Ngoài việc kiểm tra giữa Bộ với địa phương, ngành Tư pháp cũng xác định các đơn vị tăng cường công tác tự kiểm tra. Ở cơ sở, tư pháp cấp tỉnh, thành phố cũng tăng cường các chuyến đi về huyện, xã, phường để kịp thời nắm bắt toàn diện các lĩnh vực của ngành…
Ghi chép của Thu Hằng