Ấm lòng bữa cơm yêu thương dành cho sĩ tử nghèo trường huyện ở Vĩnh Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thi tốt nghiệp THPT thì “căn bếp yêu thương” của tập thể giáo viên Trường THCS – THPT Mỹ Thuận (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) lại đỏ lửa. Bữa cơm nóng hổi đầy sự yêu thương, quan tâm góp thêm động lực để các em yên tâm làm bài tốt.

Năm nay, hơn 10.000 sĩ tử của tỉnh Vĩnh Long dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Khi trang giáo án còn chưa kịp khép lại kết thúc năm học thì tập thể giáo viên trường THCS – THPT Mỹ Thuận đã tất bật bên góc bếp tập thể của mình. Đây là nơi gói ghém niềm tin yêu, thể hiện sự đồng cảm sẻ chia đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn.

Cùng nhau lo bữa cơm 0 đồng

Các thí sinh bước vào phòng thi cũng là thời điểm tập thể giáo viên ngôi trường huyện này tất bật chuẩn bị những suất cơm tươm tất dành tặng các em sau giờ thi. Trong gian bếp nhỏ oi bức, mọi người xắn tay áo hối hả vào việc quen thuộc bao năm gắn bó. Từ khâu sơ chế, nấu nướng, dọn bàn sắp khay... ai cũng tay chân thoăn thoắt làm cho kịp bữa ăn.

Mọi người chung tay chuẩn bị bữa cơm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ảnh Nguyễn Thuận).

Mọi người chung tay chuẩn bị bữa cơm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ảnh Nguyễn Thuận).

Bà Lâm Thị Thanh Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Mỹ Thuận cho biết, việc nấu ăn cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo và cận nghèo, đã được tập thể giáo viên trường duy trì gần 10 năm qua. Kỳ thi năm 2023, bếp ăn thực hiện khoảng 80 suất ăn. Dù lượng công việc nhiều, nhưng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được các thầy cô nơi đây rất quan tâm, lựa chọn kỹ, thực đơn cũng khá đa dạng, phong phú.

Những suất cơm nóng hổi chứa chan nghĩa tình là sự động viên, khích lệ các học trò làm tốt các bài thi (ảnh Nguyễn Thuận).

Những suất cơm nóng hổi chứa chan nghĩa tình là sự động viên, khích lệ các học trò làm tốt các bài thi (ảnh Nguyễn Thuận).

Năm nay điểm Trường THPT Hoàng Thái Hiếu (huyện Bình Minh), có những em phải đi gần 20km đến thi. Sợ điều này sẽ làm ảnh hưởng tâm lý đến thí sinh, tập thể giáo viên trường Mỹ Thuận đã quan tâm, động viên, chăm lo mọi về mọi mặt (ăn uống, nghỉ ngơi, di chuyển) cho các em. "Công việc tuy có vất vả nhưng mọi người đều cảm thấy hào hứng, xứng đáng vì việc làm này rất có ý nghĩa", bà Tuyền chia sẻ.

Em Nguyễn Minh Thư (học sinh trường THCS – THPT Mỹ Thuận) cho biết: “Nhà em cách xa điểm thi nên việc đi lại ăn uống cũng vất vả. Nhưng được thầy, cô hỗ trợ tận tình, đón từ trường về điểm dùng cơm trưa. Thầy cô còn dành không gian để tụi em nghỉ ngơi, phần nào giúp em giải tỏa căng thẳng khi thi buổi tiếp theo”.

Những nụ cười bên mâm cơm sau giờ thi căng thẳng của các học trò là động lực để giáo viên ngôi trường huyện này phấn đấu hơn nữa (ảnh Nguyễn Thuận).

Những nụ cười bên mâm cơm sau giờ thi căng thẳng của các học trò là động lực để giáo viên ngôi trường huyện này phấn đấu hơn nữa (ảnh Nguyễn Thuận).

Trần Kim Khoa (học sinh Trường THCS – THPT Mỹ Thuận) bị tim bẩm sinh, cha mất sớm, mẹ không được tỉnh táo. Em được nhà chùa và nhà trường quan tâm, chăm lo ăn học. Chuẩn bị bước vào kỳ thi, em không khỏi hồi hộp lo lắng nhưng ngay khi bước ra cổng điểm thi, thấy các thầy cô giáo chờ sẵn, quan tâm hỏi han, động viên, em thấy vững tâm hơn hẳn. "Đối với em đó là sức mạnh to lớn để em vững tin thi cử", Khoa bộc bạch.

Gần 10 năm vun vén từng bữa cơm cho học trò nghèo

Thuở ban đầu, công việc này chỉ có hơn 10 thành viên tham gia, lượng công việc cũng như suất ăn hỗ trợ cho các em vào mùa thi cũng khá ít. Xuất phát điểm của bếp ăn là “ai cho gì nấu đó và mùa nào có gì ăn đó”, miễn các em có cái no bụng đến trường.

Bà Lâm Thị Thanh Tuyền xúc động chia sẻ về công việc của tập thể giáo viên trường gần 10 năm nay (ảnh Nguyễn Thuận).

Bà Lâm Thị Thanh Tuyền xúc động chia sẻ về công việc của tập thể giáo viên trường gần 10 năm nay (ảnh Nguyễn Thuận).

Thấy được tâm huyết các giáo viên nghèo vùng huyện, bà con, phụ huynh, học sinh của trường nhanh chóng chung tay đóng góp từng bó rau, bao gạo để có bữa ăn cho các em. Dần dần, khi bếp ăn hoạt động ổn định cũng là lúc nhận được sự đồng thuận và sự tham gia tích cực hơn của nhiều thầy cô, phụ huynh học sinh và mạnh thường quân.

Trò nhọc nhằn vì áp lực thi cử, giáo viên cũng vất vả gấp đôi dưới trời nắng nóng (ảnh Nguyễn Thuận)

Trò nhọc nhằn vì áp lực thi cử, giáo viên cũng vất vả gấp đôi dưới trời nắng nóng (ảnh Nguyễn Thuận)

“Gần 10 năm qua thực hiện công việc này, có những em ra trường có việc làm ổn định vẫn quay về hỗ trợ bếp ăn. Đối với những em dù đã rời xa mái trường, nhưng vẫn còn đi học, hàng năm tới mùa thi là các em luôn có mặt hỗ trợ các giáo viên một cách tích cực. Đó là điều không chỉ riêng tôi, mà các giáo viên nơi đây đều hãnh diện vì điều mình làm đã hướng các em đến cội nguồn, biết quan tâm chia sẻ”, bà Tuyền xúc động nói.

Sau khi hoàn thành buổi thi, học sinh quây quần bên mâm cơm (ảnh Nguyễn Thuận).

Sau khi hoàn thành buổi thi, học sinh quây quần bên mâm cơm (ảnh Nguyễn Thuận).

Giờ đây, bếp ăn không chỉ hỗ trợ vào mùa thi, nguồn quỹ này còn thường xuyên giúp đỡ mua sắm các thiết bị, đồ dùng học tập, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn trong suốt năm học. Ước tính, tổng số kinh phí vận động cho bếp ăn là hơn 300 triệu đồng, bếp hỗ trợ gần 400 suất ăn cùng; số lượng thành viên tham gia công tác hỗ trợ là hơn 30 người.

Nhìn thấy “đàn con” của mình ngồi quây quần bên nhau, thưởng thức bữa ăn ngon sau buổi thi, tập thể giáo viên Trường THCS – THPT Mỹ Thuận rất hạnh phúc. Họ biết rằng, những nỗ lực của mình không chỉ làm các em no bụng mà còn tạo ra một không gian yên bình và ấm áp, nơi mà học sinh có thể cảm thấy an tâm và được truyền động lực để đạt được mục tiêu của mình.

Đọc thêm