Với người bệnh đái tháo đường, việc ăn Tết sao cho vui mà vẫn khỏe thực sự không dễ dàng, vì nhiều món ăn truyền thống không tốt cho sức khỏe của người bệnh. Nhiều người băn khoăn, liệu có ăn được bánh chưng khi đang có bệnh đái tháo đường? Nếu ăn thì nên ăn thế nào để duy trì đường huyết ổn định?
1. Thành phần dinh dưỡng của bánh chưng
Thông thường 1 chiếc bánh chưng được làm từ 1,5 - 2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Mà gạo nếp là loại gạo có chỉ số đường huyết của thực phẩm nằm trong nhóm cao nhất (GI=85). Trong 100g gạo nếp chứa đến 74,9g bột đường. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g. Vì vậy, bánh chưng khiến nhiều người ăn có cảm giác no lâu.
Trong 100g bánh chưng sẽ cung cấp:
Năng lượng 181kcal
4,3g chất đạm
4,2g chất béo
31,6g chất bột đường
0,6g chất xơ; 26g canxi
0,94g sắt
1,4g kẽm.
Người bệnh đái tháo đường ăn bánh chưng thế nào để đường huyết không tăng cao? - Ảnh 2.
2. Bánh chưng không tốt với người bệnh đái tháo đường
Với thành phần chính là gạo nếp, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, bánh chưng chứa rất nhiều tinh bột ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của người bệnh.
Bánh chưng được luộc trong thời gian rất lâu để bánh được rền, dẻo ngon. Nhưng chính cách chế biến này khiến cho tinh bột càng được nấu chín khi luộc thì khả năng hấp thu đường càng nhanh.
Nhân bánh chưng có đậu xanh và thịt, phải là miếng thịt ba chỉ có lẫn mỡ và nạc, mới làm ra sản phẩm bánh chưng ngon. Nhưng với người bệnh đái tháo đường, những món ăn có nhiều dầu mỡ lại cần phải hạn chế.
Vì thế, trong dịp Tết, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn bánh chưng, nếu ăn thì chỉ nên ăn một chút, cân đối tinh bột và các chất dinh dưỡng khác.
Những người đái tháo đường bị béo phì, có biến chứng thận, hoặc đái tháo đường kèm tăng huyết áp và biến chứng tim mạch thì càng phải hạn chế ăn bánh chưng, nên ăn càng ít càng tốt.
3. Cách ăn bánh chưng để đường huyết không tăng cao
Tết đến, nhiều người nghĩ đến bánh chưng và nghĩ rằng phải tuyệt đối kiêng kỵ. Nhiều người lại ăn không kiểm soát, thậm chí thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị thơm ngon hơn trong khi các món rán, nướng càng làm tốc độ tăng đường máu sau ăn tăng lên. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là người bệnh đái tháo đường cần loại bỏ hoàn toàn bánh chưng ra khỏi thực đơn Tết của mình.
Để ăn bánh chưng mà không làm đường huyết tăng cao sau ăn nên ăn bánh chưng gói ít thịt mỡ. Mỗi lần chỉ nên ăn một miếng nhỏ (1/8 cái) khoảng 150g và ăn cách nhau ít nhất 8 giờ.
Trước khi ăn bánh chưng, nên ăn salat rau, canh rau, măng, dưa hành… để tăng cường chất xơ, giảm khả năng hấp thu đường từ ruột. Nếu đã ăn bánh chưng trong bữa ăn thì cần bỏ bớt các món có chứa tinh bột như xôi, cơm, miến, hoa quả và các loại thức ăn chứa bột đường khác.
Nên đo đường huyết trước và sau khi ăn bánh chưng để điều chỉnh phần bánh cho lần ăn tiếp theo.
4. Để người bệnh đái tháo đường ăn Tết vui khỏe
4.1 Lập kế hoạch trước
Mặc dù những ngày nghỉ là thời gian ít kiểm soát được những thức ăn được bày ra trước mặt, nhưng vẫn có thể kiểm soát được những gì tốt cho sức khỏe. Không nên để những bữa tiệc ngày lễ nhiều chất béo và đường cao làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, đối với những món ăn này nên hạn chế, chỉ ăn một phần nhỏ dù nó rất ngon và hấp dẫn.
4.2 Bổ sung nhiều rau xanh
Tìm kiếm những cách chọn lọc để cắt giảm carbs, natri và chất béo bão hòa và bổ sung nhiều rau hơn. Nên chọn các món ăn có rau không chứa tinh bột (măng tây, cải Brussels, bắp cải, đậu cà rốt, dưa chuột, ớt, rau xanh). Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ADA), những người đái tháo đường type 2 có thể ăn nhiều loại rau không chứa tinh bột vì những loại rau này chứa ít calo và carbohydrate.
4.3 Lựa chọn protein nguồn cũng rất quan trọng
Thực phẩm protein như cá, gà không da và gà tây, trứng, đậu và đậu lăng, cũng như đậu nành (như tempeh và đậu phụ) thường ít chất béo bão hòa. Theo AHA, giảm thiểu chất béo bão hòa là điều kiện cần thiết để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
4.4 Quản lý lượng đường trong máu
Những ngày lễ nghỉ kéo dài người bệnh đái tháo đường càng có thể theo dõi được lượng đường trong máu. Đặc biệt, không nên bỏ bữa mà phải chia đều lượng carbohydrate trong ngày và tránh ăn quá nhiều carb trong một bữa ăn. Để quản lý lượng đường trong máu, lượng carbs lý tưởng là 30 - 60g mỗi bữa ăn chính và 15 -30g mỗi bữa phụ.
Những ngày tết, việc đi lại, hoạt động nhiều hơn bình thường hoặc ăn các loại thực phẩm khác nhau không đúng thực đơn, người bệnh đái tháo đường phải kiểm tra lượng đường trong máu thêm một vài lần chỉ để ở mức an toàn. Phải nghỉ 3 giờ trước khi ăn hoặc trước và sau khi tập thể dục.
Nếu đã uống một vài ly rượu thì nên nên kiểm tra lượng máu vào ban đêm, vì đó là lúc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).