An Biên (Kiên Giang) hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

(PLVN) - Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện An Biên xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương nhưng cần có giải pháp đồng bộ mang tính bền vững nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Công Trận, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên, Kiên Giang

Vượt nhiều chỉ tiêu tỉnh giao

Ông Nguyễn Công Trận, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết, năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện bám sát chương trình công tác, có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Việc tổ chức triển khai thực hiện của các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn chuyển biến tích cực và có hiệu quả.

Nhờ đó, kinh tế - xã hội của huyện được phát triển, các chỉ tiêu đều đạt, vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao như: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành chủ yếu tăng 8,1% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 13,39% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt 8,6% so với cùng kỳ, xây dựng giao thông nông thôn vượt 18,20% so với kế hoạch, công tác giải ngân được thực hiện đạt kết quả, công tác phát triển kinh tế tập thể được chú trọng phát triển, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Toàn cảnh huyện An Biên nhìn từ trên cao

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tiến bộ, công tác tư vấn, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách, người có công, các chính sách an sinh xã hội và công tác khám chữa bệnh được đảm bảo, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch nhất là các bệnh truyền nhiễm. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm tổ chức; các lễ hội và sự kiện quan trọng của huyện được tổ chức trang trọng, an toàn và tiết kiệm; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng; công tác gia đình ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, lĩnh vực quảng cáo.

Chất lượng giáo dục, đào tạo được đảm bảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư xây mới và tu sửa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường. Tình hình tôn giáo tương đối ổn định. Công tác dân tộc, các chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác quản lý hội đã đi vào nề nếp; Phong trào thi đua khen thưởng được triển khai ngày càng thiết thực, sâu rộng, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết kịp thời. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được nâng lên, công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đảm bảo theo kế hoạch. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo, công tác xây dựng chính quyền tiếp tục được củng cố kiện toàn, kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được chấn chỉnh.

Vai trò quản lý, điều hành của chính quyền được phát huy, nhất là điều hành tổ chức thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn trên địa bàn huyện và điều hành đạt một số nhiệm vụ quan trọng về kinh tế xã hội; trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ có tập trung trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra kịp thời uốn nắn những khó khăn, vướng mắc.

Trao tặng nhà đại đoàn kết cho người dân khó khăn trên địa bàn huyện An Biên

Chuyển tư duy làm kinh tế nông nghiệp

Theo lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện An Biên, năm 2025, là năm cuối thực hiện Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện lần thứ XII, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung đánh giá thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 - 2025. Do đó, để chủ động phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao, chương trình chỉ đạo của Huyện ủy. Các ngành, các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định những vấn đề trọng tâm, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp và phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của năm 2025. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, An Biên sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng nhu cầu của thị trường và lợi thế của địa phương đồng thời tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện; các văn bản, kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Sở NN&PTNT về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đồng thời, xây dựng các vùng chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của huyện, trọng tâm là lúa và thủy sản, nhất là phát triển mô hình lúa - tôm; Tăng cường tuyên truyền chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

An Biên sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, bền vững, theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế

Ông Nguyễn Công Trận cho biết: An Biên sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, bền vững, theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế; góp phần phát triển ngành nông nghiệp huyện, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo trang trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhất là dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm và kêu gọi đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của huyện.

Đồng thời, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình như: mô hình tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp, khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thâm canh; tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm càng xanh, cua trong mô hình kết hợp; đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi bãi bồi ven biển, chú trọng phát triển một số đối tượng nuôi có tiềm năng và giá trị kinh tế cao như cá mú, sò huyết.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng chặt phá rừng ven biển, rừng phòng hộ, đẩy mạnh trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển góp phần chống sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kêu gọi đầu tư các công trình trọng điểm

Phối hợp sở, ban ngành tỉnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, nhất là khu Công nghiệp Xẻo Rô, Trung tâm Dịch vụ - Hậu cần nghề cá. Đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào sử dụng đường Cầu Thứ Ba (ngang kênh xáng Xẻo Rô), Đường đê bao ven biển và một số công trình, dự án quan trọng khác.

Đọc thêm