Ấn Độ bắt đầu cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

(PLO) - Ngày 7/4, Ấn Độ đã bắt đầu cuộc bầu cử lớn nhất thế giới, trong đó đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu với lời hứa vực lại nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm dự kiến sẽ giành được chiến thắng. 
Cử tri Ấn Độ xếp hàng chờ bỏ phiếu. Ảnh: AP
Cuộc bỏ phiếu bầu ra các thành viên của Hạ viện (Lok Sabha) gồm 543 ghế của Ấn Độ bắt đầu lúc 7h00 (giờ địa phương, 01h30 GMT) tại 6 khu vực bầu cử ở 2 bang Assam và Tripura, phía Đông Bắc Ấn Độ. Cuộc bầu cử gồm 9 giai đoạn này sẽ kết thúc vào ngày 12/5 tới và kết quả được công bố 4 ngày sau đó. Khoảng 815 triệu cử tri đủ điều kiện sẽ tham gia bầu cử. 
Trung tâm nghiên cứu truyền thông có trụ sở tại New Delhi ước tính, đây sẽ là cuộc bầu cử ngốn nhiều tiền nhất trong lịch sử Ấn Độ, với việc Chính phủ, các đảng chính trị và các ứng viên đã chi đến 5 tỉ USD. Tổng cộng, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ đã lập 919.000 điểm bỏ phiếu và sử dụng 3,6 triệu máy bỏ phiếu điện tử. 
Theo ghi nhận của phóng viên AFP, các cử tri gồm cả đàn ông và phụ nữ đã đứng xếp hàng chật kín khi các điểm bỏ phiếu mở cửa và tiến dần tới máy bỏ phiếu để ấn nút bầu cho các ứng viên mà họ ủng hộ. “Tôi muốn Chính phủ giảm đói nghèo và làm gì đó cho tương lai của các con tôi” – cử tri tên Santoshi Bhumej cho biết tại một điểm bỏ phiếu ở Dibrugarh, thuộc bang Assam. 
Một điểm đặc biệt là các máy bỏ phiếu điện tử đã lần đầu tiên có nút “Không chọn ai” (Nota) dành cho những cử tri không muốn bầu cho bất cứ ứng viên nào.
Kết quả thăm dò của Viện nghiên cứu nhân văn và khoa học (CSDS) của Ấn Độ cho thấy, đảng Dân tộc chủ nghĩa (BJP) do ông Narendra Modi lãnh đạo và các đồng minh dự kiến sẽ giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện. Tuy nhiên, theo CSDS, BJP có thể sẽ không thể giành được đủ 272 ghế tối thiểu để lập Chính phủ. Do đó, một Chính phủ liên minh do BJP lãnh đạo được xem là kết quả khả thi nhất. 
Cũng theo khảo sát của CSDS, cuộc bầu cử dự kiến sẽ đưa đến thất bại của đảng Quốc đại cầm quyền sau cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ những năm 1980 cho đến nay. Trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Manmohan Singh đã tuyên bố ông sẽ rút lui và đảng Quốc đại hiện do ông Rahul Gandhi – thành viên cuối cùng của triều đại Nehru-Gandhi lãnh đạo. 
Cuộc bầu cử lần này cũng có sự tham gia của đảng AAP (Aam Aadmi, Đảng của người dân thường) – một đảng chính trị mới chủ trương chống tham nhũng và đã giành được kết quả cao trong bầu cử tại thủ đô Delhi. 
Ứng viên tiềm năng
Ông Modi – Thủ hiến bang Gujarat - đã dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò trước bầu cử nhờ vào thông điệp mạnh mẽ về khát vọng và những cam kết về phúc lợi cũng như phát triển công bằng. Tuy nhiên, ông này cũng là nhân vật gây tranh cãi do bị cáo buộc đã không ngăn cản hoặc thậm chí còn kích động các cuộc bạo lực chống lại người Hồi giáo ở bang Gujarat hồi năm 2002.
Ít nhất 1.000 người đã thiệt mạng do tình trạng bạo lực xảy ra trong thời gian này. Ông Modi đã bác bỏ các cáo buộc và một cuộc điều tra do Tòa án Tối cao Ấn Độ chỉ định cũng đã không tìm được bằng chứng để truy tố ông.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, hãng tin Reuters dẫn lời 2 trợ lý của ông cho hay, ông Modi sẽ thực thi chính sách đối ngoại cứng rắn hơn nếu trở thành thủ tướng, đặc biệt là trong những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và trong quan hệ với nước láng giềng Pakistan. 
Trong chiến dịch tranh cử, ông Modi đã cảnh cáo Bắc Kinh từ bỏ “tư duy về chủ nghĩa bành trướng” của nước này và phê phán Pakistan vì các cuộc tấn công nhằm vào những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Ấn Độ. “Tôi thề sẽ bảo vệ đất nước này” – ông Modi tuyên bố trước một đám đông tại Arunachal Pradesh, một khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, hồi tháng 2 vừa qua. 
Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc trong những năm gần đây đã hàng trăm lần xâm nhập vùng biên giới đang tranh chấp giữa 2 nước, cáo buộc mà Trung Quốc luôn bác bỏ. Bên cạnh đó, New Delhi cũng tỏ ra quan ngại trước những vụ đột nhập của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương cũng như việc Bắc Kinh tham gia vào việc xây dựng hàng loạt các cảng biển từ Gwadar của Pakistan tới Chittagong ở Bangladesh. Các cố vấn của ông Modi tuyên bố BJP muốn xây dựng lực lượng hải quân vững mạnh và phản ứng cứng rắn hơn trước các vụ xâm phạm biên giới./.

Đọc thêm