Ấn Độ: Siết luật trừng trị lái xe gây chết người

(PLO) - Chính phủ Ấn Độ đang đề xuất những hình phạt nặng nề hơn nhằm giảm số vụ lái xe gây chết người ở mức đáng báo động tại nước này.
Bà Anita Rajput kể về số phận hẩm hiu của con trai. Ảnh: AFP
Bà Anita Rajput kể về số phận hẩm hiu của con trai. Ảnh: AFP
Một tháng sau khi con trai lớn bị 2 chiếc xe bus cán chết khi đang đi bộ từ trường về nhà ở thủ đô New Delhi, bà Anita Rajput vẫn chưa đủ can đảm để cho cậu con trai còn lại quay trở lại trường học. “Làm sao tôi dám cho con xuống đường nữa. Tôi sợ đứa nhỏ cũng sẽ gặp phải số phận tương tự” – người phụ nữ cho biết trong nước mắt. 
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ấn Độ là một trong những nước có tỉ lệ tai nạn đường phố gây chết người cao nhất thế giới, với hơn 231.000  ca tử vong mỗi năm. Còn theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ chỉ sở hữu 1% phương tiện giao thông nhưng chiếm đến 15% tổng các trường hợp tử vong do tai nạn trên toàn cầu. 
Nguyên nhân của tình trạng này thường được cho là do luật pháp còn yếu. Các nhà hoạt động nói rằng, tại Ấn Độ vẫn còn phổ biến tình trạng lái xe hối lộ cảnh sát và giới chức tư pháp khi bị bắt vì vi phạm luật lệ giao thông. 
Kết quả là, các lái xe thường xuyên bỏ qua việc chấp hành các quy định về thắt dây an toàn, tốc độ, sử dụng điện thoại di động khi lái xe hay việc chuyển đèn pha khi di chuyển vào ban đêm.
Bên cạnh đó, tình trạng xuống cấp của mạng lưới đường phố tại Ấn Độ - với nhiều tuyến phố được thiết kế kém, không phù hợp để “cõng” thêm hàng nghìn chiếc ô tô đổ ra đường khi tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng - cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc số vụ tai nạn tăng cao.
Trước tình hình này, sau nhiều năm im ắng, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hiện đang đề xuất sửa đổi đạo luật có từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông. Dự thảo luật vừa được đệ trình đề nghị áp những hình phạt nặng hơn đối với các lái xe tùy vào vi phạm.
Ví dụ, hình phạt đối với các hành vi vượt đèn đỏ, không thắt dây an toàn sẽ tăng từ khoảng 2 USD như hiện nay lên từ 50 đến 250 USD – một khoản tiền khá lớn đối với nhiều người Ấn Độ. Hình phạt đối với các lái xe say rượu cũng tăng 5 lần, lên thành từ 48 đến 240 USD cho lần đầu vi phạm và 500 USD cho việc tái phạm, đồng thời tước bằng lái với những người vi phạm đến lần thứ 4. 
Dự luật cũng bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nhà sản xuất nhằm ngăn chặn những chiếc xe bị lỗi lưu thông trên đường phố. Chính phủ Ấn Độ hy vọng việc thực thi các quy định trên sẽ góp phần giảm 1/5 số ca tử vong do tai nạn giao thông ở nước này trong vòng 5 năm tới.
Mặc dù vậy nhưng các nạn nhân trong các vụ tai nạn đường phố và các chuyên gia về an toàn đường phố cho biết họ rất thất vọng khi Quốc hội Ấn Độ hồi đầu tháng 3 đề nghị hoãn việc xem xét dự luật tới cuối tháng 4. 
“Vấn đề này đáng để ban hành một luật mới, kể cả trong trường hợp nó chỉ cứu được một người” – anh Pulkit Kumar, người đã bị một chiếc xe bus cán qua, khiến anh phải nằm liệt giường từ năm 2011 đến nay cho biết. 
Song, các chuyên gia cho rằng những quy định trên vẫn là chưa đủ để ngăn chặn các tai nạn đau lòng tại Ấn Độ trong điều kiện hiện nay. Họ đưa ra các đề xuất như phân tuyến xe cộ theo kích thước, giáo dục an toàn giao thông tại trường học, yêu cầu trang bị đầy đủ cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông…

Đọc thêm