Năm 2011, các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã kiểm tra công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe ở một số địa phương. 100% cơ sở đều có sai phạm, bị nhắc nhở, nhiều cơ sở bị đình chỉ hoạt động, không ít nơi bị thu hồi giấy phép đào tạo. Thực trạng này báo động công tác đào tạo lái xe ô tô đang bị thả nổi, là một trong những nguyên nhân gây gia tăng số vụ tai nạn giao thông.
|
Tràn lan trung tâm đào tạo lái xe |
Muôn kiểu… học cho có bằng
Trung tâm đào tạo lái xe, sân tập lái xe ô tô mọc ra như nấm ở khắp mọi nơi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Đối tượng cò mồi cũng hoạt động liên tục với nhiều chiêu khuyến mãi bằng cách “rút ruột” chương trình học, cấp bằng cấp tốc, miễn là có tiền. Cụ thể số tiền chi phí cho các hạng: học bằng B1, B2 theo đúng quy trình thì mức lệ phí và chi phí phát sinh dao động từ năm đến bảy triệu đồng, học trọn gói và “chống trượt” hết khoảng 12 triệu đồng.
Nhiều trung tâm tạo điều kiện cho thí sinh học theo ý muốn nên có những lớp “siêu tốc”, từ lúc học đến lúc thi chỉ 10 ngày, theo đó mức phí trọn gói là 15 triệu đồng. Chương trình học ghi rõ các nội dung học lý thuyết, thực hành trong sa hình và ngoài đường trường với những giờ học cụ thể. Trong đó, học lý thuyết, thí sinh được học luật, đạo đức và trách nhiệm của người tham gia giao thông. Nhưng nhờ “quan hệ” với các thầy dạy, chương trình học của thí sinh sẽ được rút bớt, vừa đỡ tốn sức thầy, vừa tiết kiệm thời gian cho trò.
Thời gian còn lại, trò mời thầy đi… uống bia! Anh Lê Văn Vinh (quận Tây Hồ - Hà Nội), người đang học ở sân tập lái Nhật Tân cho biết: “Ở đây dễ lắm, thích học buổi nào thì gọi điện trước cho thầy, kể cả buổi tối. Các thầy đều “châm chước” cho ý mà. Thời gian học lý thuyết được rút bớt, đi thi thì có thầy nâng đỡ. Nhiều cô gái trẻ còn mạnh dạn đi học để kiếm bằng…”
Theo khảo sát, nhu cầu học và lấy bằng lái ô tô trong xã hội ngày càng tăng. Người học để lái tắc-xi, người lái xe riêng, người khác chỉ cần có bằng để có thể thuê xe tự lái. Rất nhiều công chức bận bịu nhưng muốn có bằng lái cũng tranh thủ dùng tiền “chạy”, nên có bằng mà không biết lái, không hiểu luật. Chẳng ít cô gái đua nhau đi học như một thứ mốt, sau khóa học cũng cầm tấm bằng trang trí cho… oai.
Anh Tô Văn Lực, một người vừa được cầm tấm bằng lái tâm sự: “Tôi chỉ phải học lý thuyết hai buổi, học thực hành vài buổi còn thời gian thì đi dã ngoại và đi ăn uống với thầy. Thật ra, chuyện học lái xe nhộn nhạo lắm, chỉ qua quýt cho xong chuyện, trung tâm thì có tiền, thí sinh thì có cái bằng. Để yên tâm ngồi sau vô lăng, tôi phải thuê thầy dạy thêm và có những buổi nhờ bạn chỉ bảo kinh nghiệm. Học trong trung tâm ít người ra đường lái được lắm”.
Những cuộc đua về lợi nhuận của các trung tâm đã biến công tác đào tạo lái xe ô tô trở nên hết sức bát nháo. Theo phản ánh của nhiều người đã được cầm bằng thì hầu hết ở các trung tâm đào tạo, phần lý thuyết các thầy giao cho học viên tự học, số lượng học viên bị nhồi nhét, chất lượng xe và sân tập xuống cấp, nhiều học viên còn “lớ ngớ” đã phải rời xe, rời sân… Và, hầu hết những người đã đi học đều có bằng bởi họ đều tìm cách “bôi trơn” ngay trong quá trình học và thi.
Kết quả cuối cùng là các trung tâm đào tạo kiểu ăn xổi này tạo ra các lớp học trò non kém cả hiểu biết về luật, ý thức tham gia giao thông lẫn trình độ lái xe. Theo đó, khi đã có tấm bằng thì họ vô tư tham gia giao thông, thậm chí có những người cưỡi lên xe và biến nó trở thành “hung thần” trên đường, trên phố. Hậu quả nghiêm trọng là họ đã gây ra những tai nạn thảm khốc. Những người có kiểu học bát nháo cũng tham gia giao thông với một tâm thế bát nháo, coi thường luật lệ, coi thường mạng sống của mình và người khác. Sau cùng, bằng rất nhiều tình huống, nhiều người điều khiển ô tô đã cướp đi chính mạng sống của họ, làm chết oan không ít người đi đường.
Tràn lan sai phạm
Vào tháng 9 và 10-2011, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với tư cách là trưởng đoàn đã kiểm tra 33 cơ sở đào tạo lái xe ô tô trong 10 tỉnh, thành thì tất cả đều có sai phạm.
Cụ thể, trung tâm đào tạo của trường Trung cấp nghề Cần Thơ không có phòng học kỹ thuật lái xe riêng, trang thiết bị sơ sài; trường Trung cấp nghề số 9 (Bộ Quốc phòng) không có phòng thực tập bảo dưỡng, không có phòng chuẩn bị của giáo viên, không có sân tập nên học viên phải tập lái trên một bãi đất trống; trung tâm Liên Chiểu (Đà Nẵng) không có môi trường sư phạm đảm bảo, thiếu bàn ghế cho học viên, phòng học xập xệ; trường Trung cấp nghề Việt Đức (Sở Lao động thương binh & Xã hội Lạng Sơn) có đến 85% xe cũ nát…
Cũng theo kết quả của đoàn kiểm tra, trình độ của nhiều giáo viên không tương xứng với yêu cầu của việc giảng dạy, không có trình độ luật giao thông; nhiều trung tâm có sân nhưng không kẻ được sa hình, không biển báo, chỉ dẫn, ký hiệu mà chỉ dạy “chay”; một số trung tâm “nhồi” quá nhiều học viên vào một lớp học lý thuyết, phần thi vẫn dùng hình thức thủ công…
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ và Bộ GTVT thì những cơ sở bị kiểm tra chủ yếu ở các tỉnh lẻ, chỉ vài cơ sở ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi, các cơ sở tập trung ở hai địa phương này với số lượng rất lớn.
|
Xe tập lái gây tai nạn |
Sẽ rất khó để “sờ gáy” được hơn 270 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 79 cơ sở sát hạch trong cả nước. Ai có thể dám chắc rằng, sẽ không có quá 80% số cơ sở có sai phạm? Đó là chưa kể các trung tâm “vệ tinh” luôn tung ra các chiêu quảng cáo, thu hút nhiều người học và làm nhiễu loạn môi trường đào tạo. Người lái xe gây tai nạn, làm chết người sẽ bị khởi tố.
Còn những trung tâm đào tạo ra những lái xe kém chất lượng, gián tiếp giết người thì bị quy trách nhiệm gì, ai quy trách nhiệm? Trong khi họ là những kẻ hưởng lợi, nhưng đã thiếu trách nhiệm, đào tạo không đến nơi đến chốn, mỗi năm một trung tâm tồi nhất cũng có thể “thả” ra đường cả nghìn lái xe.
Một người lái xe có uy tín lâu năm tâm sự: “Hành vi coi thường mạng người của các lái xe ô tô, các trung tâm đào tạo sai quy định, rút ngắn chương trình học là đáng lên án và phải xử phạt thật nặng để răn đe. Cũng nên hạn chế việc cấp phép ồ ạt để “sản sinh” ra các trung tâm đào tạo tồi. Việc đó cũng giống như cấp phép ồ ạt sinh ra quá nhiều hãng tắc-xi như hiện nay, gây nhiễu loạn giao thông.”
Đoạn kết
Tai nạn giao thông đã trở thành quốc nạn, đến nỗi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ví như thảm họa sóng thần. Và cứ mỗi năm, các cơ quan chức năng lại tổng kết, đánh giá “thảm họa sóng thần” đã làm bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương… trong nỗi nhức nhối của muôn nhà. Người dân đang “gõ cửa” con tim và nhiệt huyết của các cơ quan chức năng, mong những nhà lãnh đạo chia sẻ, tìm ra giải pháp khắc phục tình hình, giảm thiểu thương vong do TNGT.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn thường xuyên thực hiện đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công tác quản lý vào việc đổi mới xe dạy lái, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cải tiến mô hình, học cụ… Vậy nhưng sai phạm vẫn hoàn sai phạm. Các trung tâm vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trước, không nghĩ đến những hậu quả lâu dài mà các cuộc “chạy đua” đó gây ra.
Vậy nên, muốn siết chặt quản lý cũng như xử phạt các trung tâm vi phạm, cần phải có một chế tài cụ thể, đủ mạnh để răn đe. Ông Trịnh Viết Lộc - Phó chánh thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ ra những thiếu sót về mặt quản lý nhà nước đối với các trung tâm đào tạo lái xe và chế tài xử phạt hiện giờ đang áp dụng có từ năm 2002 đến nay chưa được thay thế nên phần nào bộc lộ nhiều lỗ hổng.
Phải khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng cái cách đào tạo mà các trung tâm cả nước vẫn làm chính là một trong những nguyên nhân chính. Chỉ khi nào công tác đào tạo được chấn chỉnh, người học nghiêm túc, đạo đức, các trung tâm đào tạo có tinh thần vì người khác hơn, thì mới giảm bớt được tình trạng giao thông lộn xộn.
Sơn Bình