An Giang sẽ điều chỉnh cách đặt tên 36 xã, phường

(PLVN) - Với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và phát triển bền vững, tỉnh An Giang đang triển khai đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và tiến tới hợp nhất với tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh An Giang hiện có diện tích hơn 3.500 km², dân số trên 2,7 triệu người và gồm 155 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 109 xã, 27 phường và 18 thị trấn). Theo đề án sắp xếp mới, toàn tỉnh sẽ giảm còn 54 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 44 xã và 10 phường – tương đương giảm hơn 65% số lượng đơn vị hiện tại.

Ngày 15/4, sau khi hoàn thiện đề án theo đúng quy định, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên toàn địa bàn và trình Hội đồng nhân dân các cấp xem xét. Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện thông qua phát phiếu đối với cử tri đại diện hộ gia đình có đăng ký thường trú tại các xã, phường. Kết quả cho thấy, hơn 510 nghìn cử tri thuộc 155 xã, phường tham gia bỏ phiếu, trong đó 98,86% đồng ý với đề án sắp xếp, nhiều địa phương đạt tỷ lệ đồng thuận 100%.

Dù đa số cử tri đồng thuận, song một bộ phận người dân bày tỏ sự tiếc nuối với việc nhiều xã, phường sau sáp nhập được đặt tên theo phương vị như Đông, Tây, Trung, Nam, Bắc… Thay vào đó, họ mong muốn tên gọi phản ánh đặc trưng lịch sử, văn hóa, di tích hay địa danh truyền thống.

Trụ sở UBND tỉnh An Giang

Lắng nghe ý kiến nhân dân, ngày 24/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị chuyên đề và thống nhất điều chỉnh tên gọi một số xã, phường, tránh dùng tên phương vị, đồng thời gắn với truyền thống văn hóa – lịch sử địa phương.

Chỉ một ngày sau, 10/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ TP Châu Đốc) đã khẩn trương lấy ý kiến người dân về việc đổi tên. Qua thống kê, gần 310 nghìn cử tri thuộc 33 xã, phường tham gia bỏ phiếu, trong đó 99,52% đồng thuận với chủ trương này.

Trong bước đi tiếp theo, tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Kiên Giang. Gần 515 nghìn cử tri tham gia bỏ phiếu, với tỷ lệ đồng thuận đạt 99,01%.

Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Việc sáp nhập hai tỉnh nhằm mở rộng không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội, cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Qua đó, đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững cho toàn vùng".

Đọc thêm