'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam là công trình giao thông cấp 2 với 2 đoạn chính đi qua 5 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam gồm Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My với tổng chiều dài toàn tuyến là 31,85 km.

Điểm đầu từ nút giao với đường tỉnh 613B xã Bình Nam (huyện Thăng Bình và điểm cuối tại thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My).

Dự án có tổng mức đầu tư là 34,51 triệu USD (tương đương 768 tỷ đồng), trong đó có vốn ODA gần 25,47 triệu USD (tương đương 566,8 tỷ đồng) do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF).

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Việc đầu tư dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.

Đồng thời, dự án kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Cảng Kỳ Hà, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương “Kết nối ASEAN”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, sau hơn một năm khởi công, dự án vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Trên chiều dài toàn tuyến, một số đoạn nhà thầu đã tổ chức thi công nhưng đang tạm dừng vì thời tiết.

Đáng nói, nhiều đoạn, mặt đường bị bong tróc, “ổ gà”, “ổ voi” xuất hiện chi chít, nước đọng lại thành vũng. Những nơi này trở thành “cái bẫy” gây nguy hiểm cho nhiều người dân và cũng thường xuyên gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Một trong những “điểm đen” mất an toàn giao thông là đoạn từ xã Trà Dương lên thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My).

Hơn 6km mặt đường lầy lội, trơn trượt, loang lổ, nhấp nhô. Các phương tiện lưu thông qua đây đều phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

Bà Hồ Thị Xuân (65 tuổi, trú thị trấn Trà My) đầy ngán ngẩm với tình trạng “ổ voi”, “ổ gà” ngay trước nhà.

“Mùa mưa này thì đường bẩn, trơn trượt, nước đọng lại còn nắng thì bụi khủng khiếp, tôi nào có dám ra đường. Tai nạn thì liên tục xảy ra, nhất là ban đêm. Tội nhất là học sinh, có trường hợp té ngã phải gửi xe nhà tôi để đi bệnh viện cấp cứu", bà Xuân bức xúc.

Chủ tịch UBND xã Trà Dương Trần Ngọc Thương nhìn nhận, dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đoạn qua địa bàn xã hư hỏng nhiều khiến người dân gặp khó khăn trong việc lưu thông.

Theo ông Thương, phần lớn đường hư hỏng là do thời tiết mưa lớn liên tục. Địa phương có kiến nghị và đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư rất “cầu thị, có trách nhiệm”. Những đoạn nào hư hỏng nặng, khi tạnh mưa đều cho xử lý ngay.

Dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 11/2025. Trong đó, thời hạn ấn định 30/4/2024 hoặc chậm nhất đến 30/6/2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công đã không thể thành hiện thực.

Theo chủ đầu tư, dự án gặp nhiều khó khăn về công tác BT GPMB, TĐC do cần nhiều thời gian để xét nguồn gốc đất. Kinh phí đền bù, GPMB được phê duyệt ban đầu là hơn 125,4 tỷ đồng nhưng theo báo cáo của các huyện đã tăng lên hơn 339,2 tỷ đồng, vượt hơn 213,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác đấu thầu, trao hợp đồng có nhiều thủ tục phải hoàn thiện để phù hợp với quy định của nhà tài trợ nên thời gian kéo dài.

Đáng chú ý, gói thầu thi công xây dựng tuyến đường dự kiến hoàn thành tháng 12/2025 nhưng thời gian thực hiện theo chủ trương đầu tư được duyệt lại kết thúc vào tháng 10/2024. Vì vậy, không thể đảm bảo thời gian để thi công xây dựng hoàn thành hạng mục giao thông của dự án.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đã kiểm tra tiến độ dự án trên. Ông Triết nhấn mạnh công trình trọng điểm này có ý nghĩa rất quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội tuy nhiên tiến độ đầu tư còn chậm. Do đó, các đơn vị cần phát huy trách nhiệm, quyết liệt hơn để dự án về đích đúng tiến độ. Các địa phương tập trung cho công tác GPMB, TĐC cho người dân giải tỏa trắng, kịp thời phối hợp để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư tập trung phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương; hết sức lưu ý tiến độ dự án, không phải vì chậm tiến độ mà “buông”.

Đơn vị phải hết sức quyết liệt, thường xuyên báo cáo tiến độ và cam kết thi công đúng tiến độ, thực hiện nghiêm nguyên tắc có mặt bằng đến đâu tập trung thi công đến đó, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông…

Đọc thêm