Dự án tái thiết đường vào vùng sạt lở Phước Sơn (Quảng Nam): Sau 3 năm triển khai thi công vẫn ngổn ngang dang dở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bốn năm trước, cuối tháng 10/2020, ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã gây ra vụ sạt lở núi kinh hoàng ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam). Lũ quét và hàng nghìn m3 đất đá vùi lấp nhiều tài sản người dân; phá hủy một số tuyến đường huyết mạch tới các xã vùng cao như Phước Kim, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc…
Sau 3 năm thực hiện, dự án tái thiết các tuyến đường lên 4 xã vùng cao của huyện Phước Sơn vẫn còn ngổn ngang. (Ảnh trong bài: Công Huy)
Sau 3 năm thực hiện, dự án tái thiết các tuyến đường lên 4 xã vùng cao của huyện Phước Sơn vẫn còn ngổn ngang. (Ảnh trong bài: Công Huy)

Vừa đi, vừa lo sạt lở tai nạn

Sau sạt lở, đầu 2021, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào 4 xã nói trên. Trong đó, đường ĐH1 (đoạn xã Phước Kim - Phước Thành) dài hơn 13km, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Tuyến ĐH5 (đoạn xã Phước Công - Phước Lộc) gần 10km, 90 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2022 - 2024.

Riêng ĐH2 (đoạn từ xã Phước Thành - Phước Lộc), gần 10km, 152 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ giữa 2022 đến đầu 2025. Các dự án này đều do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của PLVN, sau 3 năm triển khai thi công, đến nay các tuyến đường vẫn còn ngổn ngang, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn hầu như chưa được khắc phục sửa chữa. Một số đoạn đơn vị thi công mới sửa chữa cầu cống. Thậm chí đường ĐH5 đoạn từ cầu Khỉ lên cầu Nước Mắt có tảng đá lớn nằm chắn giữa đường.

Người dân phản ánh do đường sá hư hỏng, mọi người đi lại rất vất vả. Mỗi khi có việc phải ra trung tâm huyện hoặc sang các xã khác, bà con phải vượt qua nhiều đoạn đường sạt lở, rất lo lắng. Nhiều lúc có người đau ốm, việc di chuyển đưa ra trung tâm huyện cấp cứu gặp rất nhiều trở ngại, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng... Mùa mưa bão đang đến, vừa đi vừa lo sạt lở tai nạn.

Ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, cứ mùa mưa bão, xã phải họp dân tuyên truyền, vận động bà con hạn chế đi lại trên các tuyến đường để tránh sạt lở, lũ ống. “Chỉ cần mưa kéo dài, sạt lở xảy ra là các xã bị cô lập. Địa phương rất mong mỏi các tuyến đường sớm hoàn thành”, ông Long nói.

Do đường sá hư hỏng, người dân đi lại rất vất vả.

Do đường sá hư hỏng, người dân đi lại rất vất vả.

Nhà thầu nào thiếu tích cực thì chấm dứt hợp đồng

Theo Ban Quản lý dự án huyện Phước Sơn (BQL), dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường này không được đưa vào dạng dự án cấp thiết, nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan rồi mới thi công. Vì vậy, kể từ cuối 2020, khi các tuyến đường đã bị phá hủy, phải gần năm sau dự án mới bảo đảm thủ tục để thi công.

Tuy nhiên, BQL cho rằng một số nhà thầu tham gia dự án thực hiện không bảo đảm theo hồ sơ dự thầu; cố tình kéo dài, không triển khai thi công dự án đúng theo hợp đồng.

Báo cáo khối lượng hợp đồng cho thấy, đến nay việc sửa chữa 3 tuyến ĐH vẫn chưa đạt 50% giá trị hợp đồng. Tuyến ĐH1 mới đạt 44,81%, tuyến ĐH2 đạt 48,23%, tuyến ĐH5 đạt 29,94%. Trong báo cáo, lý giải việc chậm trễ này, các nhà thầu trình bày do vật liệu khan hiếm, giá tăng quá cao so với hợp đồng ban đầu và ảnh hưởng thời tiết.

Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện, năng lực một số nhà thầu chưa tốt khiến việc thi công ì ạch. “Huyện mới làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công. Sau đó có sự chuyển biến khi nhà thầu đã tập trung đưa máy móc, nhân lực đến làm. Huyện yêu cầu nhà thầu thi công tuyến đường ĐH5 đến 30/9 phải đổ xong cấp phối”, ông Trung nói.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã có buổi kiểm tra trực tiếp công trường sửa chữa 3 tuyến đường này. Ông Dũng đánh giá tiến độ thi công các dự án rất chậm. Tại công trường, nhân lực thi công rất ít, năng lực thi công các nhà thầu chưa bảo đảm theo điều kiện hợp đồng.

Để khắc phục tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa. Các sở, ngành tham mưu tỉnh những giải pháp đôn đốc thi công, gặp khó khăn gì phải tháo gỡ khó khăn đó. “Huyện Phước Sơn phải quyết liệt hơn nữa, nhà thầu nào thiếu tích cực thì chấm dứt để tìm nhà thầu khác. Điều chuyển vốn của đơn vị thi công chưa có khối lượng đến đơn vị thi công có khối lượng, nhằm khắc phục tình trạng “nơi làm xong mà không có tiền, nơi không làm mà có tiền””, ông Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm