Ăn ít hay tập thể dục nhiều tốt hơn cho việc giảm cân?

Dù không ai phủ nhận tác dụng giảm cân tuyệt vời của việc kết hợp cả tập thể dục thể thao với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhưng các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về việc, nếu chỉ có thể áp dụng một trong hai cách trên, thì cách nào thực sự hiệu quả hơn trong việc giúp con người thon gọn, chống béo phì.
Ăn ít hay tập thể dục nhiều tốt hơn cho việc giảm cân?
Hệ thống cân bằng năng lượng toàn cầu (GEBN), đang nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tập thể dục thể thao. Ý tưởng "cân bằng năng lượng" của họ cho rằng, cân nặng của một người được duy trì khi lượng calo hấp thụ thông qua ăn, uống tương đương với lượng calo bị đốt cháy thông qua các hoạt động thể chất; và việc giảm cân hay tăng cân là do sự mất thăng bằng năng lượng theo hướng này hay hướng kia.
Steven Blair, giáo sư chuyên ngành thể dục thể thao thuộc Trường Y tế cộng đồng Arnold, Đại học South Carolina (Mỹ) và cũng là thành viên của tổ chức GEBN, tuyên bố, mặc dù giới truyền thông tập trung đổ lỗi chứng béo phì cho thức ăn nhanh và đồ uống có đường, nhưng "thực tế chẳng có mấy bằng chứng thuyết phục về điều đó".
Trên website của mình, GEBN không phủ nhận, sức khỏe tốt bao gồm cả việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với việc rèn luyện thể dục, thể thao. Song, tổ chức này nói, hiện có bằng chứng mạnh mẽ về việc duy trì hoạt động thể chất từ mức độ vừa phải tới cao (tích cực vận động) và hấp thu nhiều calo dễ dàng hơn việc ít vận động và hấp thu ít calo hơn.
Trong một bài xã luận đăng tải năm 2014, nhiều thành viên của GEBN viết, để đạt được sự cân bằng năng lượng và có cân nặng lành mạnh, việc tăng hoạt động thể chất "có thể dễ dàng thực hiện hơn việc giảm hấp thu calo".
Tuy nhiên, tiến sĩ Pieter Cohen, giáo sư thuộc Trường Y Havard, không tán đồng thông điệp trên. Ông Cohen phản biện: "Có vô số nghiên cứu chỉ ra rằng, từ góc độ cá nhân, việc giảm calo hấp thụ là chìa khóa cho giảm cân thành công theo thời gian. Chắc chắn việc kết hợp với cả thể dục thể thao là tuyệt vời, nhưng nếu khuyến nghị thể dục thể thao là giải pháp cho nạn béo phì ... thì thật nực cười".
Theo ông Cohen, mình chế độ tập luyện thể dục, thể thao thường không dẫn đến việc giảm cân nhiều. Lí do vì, việc rèn luyện sức khỏe làm tăng sự ngon miệng, có thể khiến mọi người ăn nhiều hơn. Tập luyện cũng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều cơ hơn, vốn nặng hơn mô mỡ.
Ngoài ra, việc cắt giảm calo khỏi chế độ ăn thường dễ dàng hơn so với việc tập luyện tới mức đốt cháy đủ calo để giảm cân. Chẳng hạn như, nhìn chung, một người cần cắt giảm 500 calo/ngày từ chế độ dinh dưỡng của mình để giảm 0,45kg trong một tuần.
Ông Cohen cho biết, về mặt lý thuyết, việc đốt cháy 500 calo thông qua thể dục, thể thao thay vì hạn chế ăn uống có thể khả thi, nhưng trong thực tế, nó khó thực hiện hơn, vì mất nhiều thời gian và đòi hỏi người áp dụng đồng thời không được hấp thụ thêm calo hơn mức hiện có. Trường Y Havard thống kê rằng, úuốn đốt cháu 500 calo, một người nặng 70kg cần phải chạy khoảng 50 phút với tốc độ 8km/h hoặc đi bộ khoảng 100 phút với tốc độ 5,6km/h.
Trung tâm Y tế Mayo (Mỹ) cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, xét về việc giảm cân, chế độ dinh dưỡng quan trọng hơn thể dục thể thao. "Cắt giảm calo thông qua thay đổi chế độ dinh dưỡng dường như thúc đẩy việc giảm cân hiệu quả hơn tập thể dục, thể thao và hoạt động thể chất. Đối với hầu hết mọi người, việc giảm hấp thu calo tới mức tốt cho sức khỏe hơn, tỏ ra khả thi hơn so với việc đốt nhiều calo hơn thông qua tăng vận động", trích bài viết của tiến sĩ Donald Hensrud thuộc Trung tâm Y tế Mayo.
Dẫu vậy, các chuyên gia đều nhất trí rằng, thể dục, thể thao nên là một phần của chương trình giảm cân. Khi mọi người rèn luyện thể chất, họ tạo ra nhiều cơ hơn, giúp tăng cường sự trao đổi chất. Các chuyên gia nhận định, sự tăng trao đổi chất này sẽ giúp mọi người duy trì số cân đã giảm được thông qua giảm calo hấp thụ.