An ninh châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc COC

(PLO) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/2 đã gia tăng áp lực ngoại giao với Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước Đông Nam Á dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế thay vì thông qua các thỏa thuận riêng rẽ với từng nước như Bắc Kinh mong muốn.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa tại cuộc họp báo
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa tại cuộc họp báo
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng sự ổn định trong tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào thành công trong việc đạt được Bộ Quy tắ́c ứng xử của các bên tại biển Đông (COC) mang tính chất ràng buộc hay không. 
“Không hề cường điệu khi nói rằng sự ổn định trong tương lai của khu vực phụ thuộc một phần vào sự thành công và kịp thời của các nỗ lực nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử. Quá trình đàm phán càng kéo dài thì những căng thẳng sẽ càng được nhen nhóm và đưa đến nguy cơ lớn hơn về việc tính toán sai lầm của một người nào đó có thể gây ra một cuộc xung đột. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào” – ông Kerry nói. 
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi những nỗ lực của người đồng cấp Indonesia Natalegawa trong việc đạt được một sự đồng thuận tại Đông Nam Á và tăng tốc tiến trình đàm phán để hướng tới COC. “Tôi thúc giục tất cả các bên hướng theo sự dẫn dắt của ông ấy và đẩy nhanh các cuộc đàm phán” – ông nói thêm. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông và trong những năm gần đây, cùng với quá trình đầu tư mạnh mẽ vào năng lực hải quân, đã trở nên quyết đoán hơn đối với các tuyên bố của mình. 
Mỹ đang ngày càng quan ngại về điều mà nước này cho là nỗ lực của Trung Quốc tìm cách dần dần mở rộng kiểm soát đối với các vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tuyên bố ngày 23/11/2013 về việc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm cả các quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Tuy Trung Quốc nhiều lần bác bỏ, nhưng dư luận vẫn cho rằng nước này sẽ thiết lập một khu vực nhận dạng tương tự trên biển Đông. 
Trước đó ngày 14/2, khi ở Bắc Kinh, ông John Kerry đã khuyến cáo Trung Quốc không nên làm như vậy. Ông nói một ADIZ trên biển Đông sẽ gây bất ổn cho khu vực. Ông cũng nói bất kỳ hành động nào như vậy cần phải được mang ra bàn thảo và thực hiện một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm. Ông Kerry cũng đã kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình và từ bỏ cách tiếp cận ngày càng quyết đoán của họ. 
Phát biểu của Ngoại trưởng Kerry đã khiến người đồng nhiệm nước chủ nhà lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc mong muốn Mỹ “không đứng về bên nào” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. “Trung Quốc quyết tâm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình” - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định. 
Phát biểu tại Thủ đô Jakarta trong chuyến thăm châu Á và Trung Đông, ông Kerry cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán về một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục và ông tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ đi đến một kết luận thích hợp về các cuộc đàm phán thương mại.

Đọc thêm