Bỏ giờ làm, kiểm sát viên ngồi uống cà phê với đương sự?

(PLO) - Vụ tranh chấp xảy ra trong bệnh viện Tây Đô (Cần Thơ) vẫn chưa đi đến hồi kết. Đặc biệt khi có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ án dân sự đã bị hình sự hóa, kiểm sát viên trực tiếp giải quyết vụ việc cũng có dấu hiệu "riêng tư" với một bên đương sự.
Kiểm sát viên Thu (ngoài cùng bên trái) gặp và làm việc với ông Chương, ông Thọ tại quán cà phê Phú Sỹ.
Kiểm sát viên Thu (ngoài cùng bên trái) gặp và làm việc với ông Chương, ông Thọ tại quán cà phê Phú Sỹ.
Dân sự hay Hình sự?
Cty TNHH Bệnh viện Tây Đô 100% vốn tư nhân, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ về việc xã hội hóa giáo dục, y tế. Mọi tranh chấp giữa các thành viên phải được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và điều lệ của Cty. 
Thế nhưng, khi xảy ra tranh chấp thì các cơ quan chức năng tại TP Cần Thơ lại dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp quá sâu vào nội bộ Cty: Thanh tra Nhà nước vào thanh tra toàn bộ Cty, UBND TP Cần Thơ ban hành những văn bản buộc Chủ tịch Hội đồng thành viên phải bổ nhiệm lại Tổng Giám đốc, kết nạp thêm thành viên góp vốn mới...
Cao điểm của việc tranh chấp này được cơ quan tố tụng vào cuộc, nhưng do bất đồng ý kiến giữa Viện Kiểm sát và Công an nên vụ việc được gửi về Bộ Công an và VKSNDTC để xin ý kiến. 
Sau khi họp liên ngành giữa Bộ Công an và VKSNDTC,  ngày 2/12/2011, VKSNDTC ra Công văn số 510/VKSTC-V1 gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) trao đổi quan điểm xử lý vụ việc ở Bệnh viện Tây Đô như sau: Với tài liệu thu thập được thì chưa đủ căn cứ để khởi tố bà Trần Thị Thu Vân và ông Diệp Thanh Bình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. 
Ngày 09/04/2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) ra Công văn số 353/C41(C44B) chỉ đạo giải quyết vụ Bệnh viện Tây Đô gửi Công an TP Cần Thơ như sau: Hồ sơ do Cơ quan CSĐT Công an TP.Cần Thơ thu thập chưa đủ căn cứ chứng minh bà Trần Thị Thu Vân và ông Diệp Thanh Bình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng hai công văn này vẫn bị UBND TP.Cần Thơ phớt lờ và chính quyền sở tại chỉ đạo cho Công an điều tra lại vụ việc.  
Sau khi xác minh, điều tra vụ việc, Công an TP.Cần Thơ ra báo cáo số 610/CATP-PC44 ngày  07/10/2013 gởi Thường trực Thành ủy TP. Cần Thơ và Thường trực UBND TP. Cần Thơ báo cáo kết luận vụ việc như sau: 
Quá trình xác minh thấy rằng có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chứng cứ để khởi tố điều tra là rất yếu, nhất là những chứng cứ mới phát sinh. Nếu khởi tố hình sự vụ việc sẽ càng diễn biến phức tạp và khó có thể đưa ra truy tố xét xử được. Vì thế, Công an TP. Cần Thơ đề nghị để các bên (những thành viên đang tranh chấp-PV) khởi kiện ra TAND TP. Cần thơ giải quyết theo thủ tục dân sự...
Vụ việc tạm lắng sau khi Công an TP. Cần Thơ gửi báo cáo về Ủy ban và Thành ủy. Các thành viên góp vốn vào Cty đồng ý ngồi lại với nhau và  thống nhất bán bệnh viện. 
Nhiều tình tiết phức tạp
Sau gần một năm thương  thảo, thương vụ có giá 282 tỷ đồng này được hoàn tất. Bên mua đã trình toàn bộ giấy tờ mua bán, phương án kinh doanh, chứng thư thẩm định giá và đã được Ngân hàng TMCP  Đại Đương chấp thuận giải ngân để bên mua trả tiền cho bên bán. 
Theo đề nghị ngày 8/10 của VKSND TP Cần Thơ, ngày 16/10/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án tại Bệnh viện Tây Đô với tội danh: Sử dụng trái phép tài sản người khác. Với quyết định khởi tố vụ án này, toàn bộ việc mua bán bệnh viện mà hai bên đã thương thảo xong bị đình chỉ lại; người mua và người bán đều bị thiệt hại nghiêm trọng vì chi phí đi lại, thuê thẩm định giá, vay vốn ngân hàng... 
Ai là người sử dụng trái phép tài sản người khác?. Ngược thời gian trở về trước, vào lúc 4 giờ sáng ngày 22/9/2010, các ông Cao Trường Thọ, Lê Văn Chương và một nhóm người khác vào vây chiếm bệnh viện khiến bệnh viện ngừng hoạt động từ đó đến nay. Hành vi bao chiếm bệnh viện này có phải sử dụng trái phép tài sản người khác hay không, câu trả lời còn bỏ ngỏ. Hiện nay Cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng đang tiến hành điều tra lại hành vi bao chiếm bệnh viện này. 
Về phía VKS, vụ việc được giao cho Kiểm sát viên  Lê Hồng Thu điều tra.  Vừa qua, vào thời gian từ lúc 8h10 (giờ làm việc) đến 9h20 thứ hai 27/01/2014, Kiểm sát viên Lê Hồng Thu công khai bỏ việc đến quán cà phê kem Phú Sỹ (số 65 Ngô Quyền, quận Ninh Kiều) để trực tiếp bàn bạc trao đổi công việc với ông Lê Văn Chương và ông Cao Trường Thọ.
Việc cán bộ kiểm sát viên trực tiếp giải quyết vụ việc tố giác tội phạm; trực tiếp theo dõi, giám sát quá trình lấy lời khai, thu thập chứng cứ, đề xuất khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam... lại uống cà phê để bàn bạc với các đối tượng tố cáo nêu trên thì liệu còn có sự vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ?.
Hiện tại, VKS tiếp tục đề nghị khởi tố bổ sung và bắt giam ngay vợ chồng ông Diệp Thanh Bình với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng phía Công an không đồng ý. Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ đã phát biểu nhấn mạnh với báo giới rằng nếu công an không khởi tố, bắt giam vợ chồng ông Bình thì VKS sẽ thực hiện.
Vụ án nay đang tạm dừng lại, các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ thỉnh thị ý kiến từ cấp Trung ương.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.