An ninh mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng là gì?

(PLO) - Quốc hội vừa thông qua Luật An ninh mạng, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Tội phạm mạng là gì?

Theo giải thích từ ngữ trong Luật An ninh mạng, bản dự thảo được trình Quốc hội thông qua, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.

Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát.

Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia là hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để tạo lập, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên không gian mạng quốc gia, bao gồm: Hệ thống truyền dẫn, Hệ thống các dịch vụ lõi, Dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của đô thị thông minh, Internet vạn vật, hệ thống phức hợp thực - ảo, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh và hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của máy tính, mạng máy tính, hệ thống thông tin.

Khủng bố mạng là việc sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố.

Gián điệp mạng là hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, mật mã, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác để chiếm đoạt, thu thập trái phép thông tin, tài nguyên thông tin trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu hoặc phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nguy cơ đe dọa an ninh mạng là tình trạng không gian mạng xuất hiện dấu hiệu đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia, gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sự cố an ninh mạng là sự việc bất ngờ xảy ra trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng là sự việc xảy ra trên không gian mạng khi có hành vi xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tính mạng con người.

Có bao nhiêu biện pháp bảo vệ an ninh mạng?

Theo quy định tại Điều 5 Luật An ninh mạng, có 13 biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm:

1) Thẩm định an ninh mạng;

2) Đánh giá điều kiện an ninh mạng;

3) Kiểm tra an ninh mạng;

4) Giám sát an ninh mạng;

5) Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;

6) Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng;

7) Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng;

8) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;

9) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

10) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;

11) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;

12) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự;

13) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, trừ các biện pháp “Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự” và “Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. 

Đọc thêm