Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình ở Bình Thuận những ngày gần đây, Người phát ngôn cho biết các lực lượng chức năng của Việt Nam đã và đang tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước đề nghị bình luận về mục tiêu của Chính phủ khi xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu), bà Hằng khẳng định, trong những năm qua Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách pháp luật, triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Dự án Luật Đặc khu nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
“Dự thảo Luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế phát huy lợi thế của địa phương”, bà Hằng nói.
Về Luật An ninh mạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân, Quốc hội ngày 12/6 đã thông qua Luật này với số phiếu cao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ Luật này phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam, không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, kinh tế và chính trị của các nước. Trong khi đó những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó, việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Người phát ngôn nói.
Trước thông tin cho rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đã xuất hiện tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái, rút các trang thiết bị quân sự đã triển khai trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, bà Thu Hằng nêu rõ.