Cạnh tranh bằng tính bền vững
“Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, mà giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững”, PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và dự báo phát biểu tại Hội nghị “DN thực hiện an sinh xã hội (ASXH) và tăng trưởng xanh” tổ chức mới đây.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các DN, nhất là DN lớn của Nhà nước như: Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank); Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN); Công ty Viễn thông quân đội (Viettel)… đã xác định, thực hiện ASXH chính là sự nghiệp của chính bản thân DN. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các DN này đã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm thực hiện ASXH của mình đối với người lao động và cộng đồng.
Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tiến hành gần đây tại 50 DN thuộc hai ngành dệt may và da giày đã khẳng định nhờ thực hiện các chương trình “TNXH của DN” trong đó có ASXH mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao…
“DN thực hiện tốt ASXH sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy DN thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, DN sẽ tạo ra được một đội ngũ người lao động gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về công ty và làm việc hết mình vì lợi ích chung của “đại gia đình”. Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) phát biểu.
Theo ông Bùi Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, TNXH đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các DN Việt Nam. “Nếu DN nào đó không tuân thủ trách nhiệm sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc DN thực hiện TNXH sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho chính DN, mà còn với cả cho quốc gia…” - Thứ trưởng khẳng định.
Nhận thức và hành động…
Trong khi nhiều DN thực hiện tốt công tác ASXH, phát triển xanh thì có một bộ phận DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN tư nhân chưa chủ động quan tâm thực hiện tốt công tác này. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng DN nợ BHXH, nợ đọng lương đã trở nên báo động. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31/11/2017, tổng số tiền nợ BHXH gần 13,1 nghìn tỷ đồng. Tình trạng này làm cản trở quá trình thực hiện các mục tiêu: tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội.
Trên thực tế, DN không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, “quỵt” tiền đóng BHXH cho người lao động, buộc người lao động làm việc đến kiệt sức hoặc không có giải pháp giúp người lao động tái tạo sức lao động . “Đây là điều hoàn toàn xa lạ đối với trách nhiệm của DN trong thực hiện ASXH, đồng thời làm cản trở quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội...” - đại diện Bộ LĐTB&XH lên tiếng… Cũng theo đại diện Bộ LĐ TB&XH, có 2 nguyên nhân chính lý giải cho việc bộ phận DN này “thờ ơ” với TNXH là nhận thức và khó khăn về tài chính của bản thân các DN.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, người luôn đau đáu với “tăng trưởng xanh và DN phát triển bền vững” cũng cho rằng phần lớn là do DN chưa nhận thức đầy đủ. “Vấn đề ở chỗ phần nhiều DN đã sai lầm khi cho rằng thực hiện TNXH, tăng trưởng xanh là tăng chi phí. Phần lớn DN chưa thấy rằng thực hiện tốt ASXH tăng trưởng xanh là tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững” - ông Vinh nhận định.
“Tăng trưởng xanh” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến, nhận thức đã được nâng lên, nhiều chương trình dự án được triển khai nhưng nhận thức chưa thành hành động, được chuyển hóa thành đầu tư”- ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục và môi trường (Bộ KH&ĐT) phân tích.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng, cam kết của DN và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy “xanh hóa” sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. “Cũng cần thừa nhận rằng, mặc dù nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện TNXH của DN đã được triển khai thực hiện, nhận thức của cộng đồng đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới…” - Thứ trưởng thừa nhận.
Với các DN, đại diện Bộ KH&ĐT đưa ra lời khuyên: “Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, mà giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. DN phải tính đến việc đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình, như: y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học...”.