“Ẩn số” trạm thu phí

(PLO) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT quản lý. 

Theo báo cáo, từ năm 2011 đến năm 2015, ngành GTVT huy động được khoảng 186.660 tỉ đồng để đầu tư 62 dự án BOT và BT giao thông (58 dự án BOT và 4 dự án BT). Bộ GTVT đánh giá, kết quả tích cực này có được là do “triển khai nhiều giải pháp đồng bộ”. 

KCHTGTVT tốt lên là đáng mừng, nhưng tại sao thời gian qua, dư luận xã hội “nóng” vì BOT? Có hay không việc tính toán sai khối lượng, làm tăng chi phí, “bắt tay” cơ quan quản lý để tăng mức thu và kéo dài thời gian thu phí. Có phải ta đang “cực đoan” hóa BOT?. Có phải mọi con đường đều giao cho BOT?. Điều này nhân dân không thể biết được. Nhân dân chỉ biết những cái mà mắt họ nhìn thấy được. Đó là trạm thu phí quá nhiều và mức phí cao.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ. Trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 13 hệ thống thu phí trên đường cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống, UBND các tỉnh quản lý 1 hệ thống. Trong 88 trạm thu phí trên các quốc lộ có 20 trạm khoảng cách dưới 60km (tức là không đúng luật).

Cũng phải nói rằng, chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hình thức đầu tư này là mới ở Việt Nam, thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, chưa hoàn chỉnh, hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa sẵn có kinh nghiệm… Do vậy, bất cập phát sinh cũng là điều dễ hiểu. 

Sắp tới còn rất nhiều dự án BOT ra đời. Những trục trặc và bức xúc đã lớn rồi. Do vậy, phải nhanh chóng rà soát đánh giá lại một cách tổng thể. Cái nào nên, cái nào không nên. Dự án nào Nhà nước thực sự có năng lực quản lý, kiểm soát, thẩm định thì hãy nên làm.

Cứ rầm rầm, “chạy trước, xếp hàng sau” như thời gian qua sẽ ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, tạo ra sự câu kết giữa một nhóm doanh nghiệp và quan chức nhà nước. Lợi ích nhóm mà chúng ta hay nói chính là những thứ như thế này sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Để tránh hình thành những liên minh, sự cấu kết giữa các ông “đầy tớ” và nhà đầu tư,  Nhà nước phải có cơ chế công khai, minh bạch để đưa ra ánh sáng, phải giám sát chặt chẽ. Các tổ chức, nhân dân, báo chí được quyền tham gia kiểm tra, giám sát, đưa ra công khai. 

Không có chuyện gì là đơn giản. Do vậy, phải được thực hiện bằng biện pháp công khai, minh bạch. Chỉ có như vậy, chúng ta có thể xử lý, tháo gỡ những “trục trặc” đang hoành hành gây bất bình lớn trong xã hội hiện nay ở các dự án BOT giao thông hiện nay!

Đọc thêm