Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức hào hùng của các cựu chiến binh

(PLVN) - Dù đã ở tuổi ngoài 90 nhưng các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (ĐBP) vẫn nhớ như in những ngày tháng 5 lịch sử 70 năm trước. Tất cả đều vinh dự và tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Thiếu tướng Nguyễn Tụ. (Ảnh: Lam Hạnh)
Thiếu tướng Nguyễn Tụ. (Ảnh: Lam Hạnh)

Một lòng vì thương, bệnh binh

70 năm trước, Thiếu tướng, GS.TS Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Tụ, nguyên Chủ nhiệm Quân y Mặt trận B3 Tây Nguyên; nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Chính trị Học viện Quân y (SN 1928, quê Phú Thọ) là cán sự y chính Phòng Quân y, Đại đoàn 316 (nay thuộc Quân khu 2).

Khoảng 1,5 vạn thương binh đã được các chiến sĩ quân y tranh thủ từng giây, dốc hết sức mình cứu chữa suốt chiến dịch. Để bảo đảm công tác điều trị, lực lượng quân y đã luôn sát cánh chiến trường và có nhiều sáng tạo để phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ, kịp thời bổ sung lực lượng tinh nhuệ trở lại vị trí chiến đấu.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển. (Ảnh: Lam Hạnh)

Cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển. (Ảnh: Lam Hạnh)

Thiếu tướng Tụ nhớ lại, Đội Điều trị Đại đoàn 316 khi ấy được tăng cường thêm 200 dân công hỏa tuyến, triển khai thành 3 bộ phận: Bộ phận tiền phương, bộ phận trung tuyến và bộ phận điều trị thương binh, bệnh binh nhẹ (còn gọi là khinh thương - khinh bệnh). Căng thẳng nhất là vào những ngày đêm đánh đồi A1 chưa thành công.

Chỉ tính riêng đêm 30 sáng ngày 31/3, bộ phận tiền phương phải tiếp nhận nhiều thương binh. Bấy giờ, vị trí triển khai thu dung là cơ sở cũ của quân y Trung đoàn 98 chỉ đủ cho gần 100 người và đi chung đường hào vào - ra; gây tình trạng khi thương binh về hàng loạt thì ùn ứ ngay tại đường giao thông hào trục chính; thương binh xử trí xong không có đường ra đưa về tuyến sau, trong khi nhiều đồng chí bị thương nặng cần cấp cứu không được xử trí kịp thời. Trước tình thế nguy cấp đó, đơn vị đào một đường giao thông hào ra đường trục chính để làm lối thoát cho những ca đã được mổ, tránh đi ngược trở lại, làm chậm trễ việc cứu chữa. Nhờ đó, các thương binh được phân loại và vận chuyển kịp thời về khu điều trị.

Bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Khi giao thông hào vận chuyển được thông thoáng, các y, bác sĩ tiếp nhận thương binh liên tục, mổ liên tục 5 ngày đêm không ngừng nghỉ. Trong căn hầm nhỏ hẹp, phòng mổ chỉ có le lói ánh sáng đèn pin và đèn dinamo xe đạp. Bộ đội ta sáng tạo dùng cách gác xe đạp lên giá, một người ngồi lên đạp liên tục để đèn phát ra ánh sáng để các chiến sĩ quân y phẫu thuật kịp thời cho thương binh. “Lần đầu tiên lực lượng quân y triển khai các phòng mổ dưới hầm”, tướng Tụ nhớ lại.

Trải qua những ngày tháng khẩn trương, sục sôi tinh thần cấp cứu cho các thương binh, lực lượng quân y đã chuyển được hơn 3.000 thương binh về bệnh viện hậu phương.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, 6 đội điều trị trực thuộc Cục Quân y và 4 đội điều trị của các đại đoàn đã căng mình hết sức phục vụ cứu, chữa thương binh kịp thời. Sau khi bộ đội rút hết khỏi Điện Biên, lực lượng quân y phải tiếp tục làm nhiệm vụ cùng vận tải, dân công vận chuyển hơn 6.000 thương binh về hậu phương.

Sau ngày toàn thắng, còn vô vàn công việc phải làm. Riêng về quân y, còn là để lại một số cơ sở điều trị, vệ sinh phòng dịch; tổ chức đưa gần 1.500 tù, hàng binh đối phương bị thương dưới những căn hầm hôi hám, bẩn thỉu lên mặt đất, cứu chữa để trao trả; tẩy uế chiến trường.

Vẹn nguyên hồi ức ngày chiến thắng

Chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển (ngụ phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An) bày tỏ: “Thế hệ chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ đứng lên, ngẩng cao đầu bước tới với tinh thần ĐBP bất diệt”.

Năm 1954, khi 19 tuổi, chàng trai Hiển là một trong số những chiến sĩ mới trẻ tuổi vinh dự tham gia Chiến dịch ĐBP trong đợt cuối cùng của Chiến dịch.

Ông Hiển kể, cứ 4 ngày hành quân ban đêm lại nghỉ một ngày. Suốt chặng đường dài 500 - 600km, vượt qua biết bao đèo cao, suối sâu, vực thẳm, chống chọi với muỗi, vắt, thú dữ và máy bay, biệt kích, thổ phỉ... nhưng với ý chí, nghị lực, sức trẻ, đơn vị đã hành quân đến đích an toàn, đúng hạn định.

Khoảng 20h30 ngày 6/5/1954 khi chiến dịch vừa mở màn, pháo ta bắn dữ dội vào các cứ điểm toàn mặt trận. Đại đội 35 của ông thuộc Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98 được phân công đánh vào một góc phải ngọn đồi C2. Quân ta ào ào tấn công như vũ bão. Lệnh Đại đội trưởng mở đợt phản kích, cả Ban Chỉ huy đại đội cùng các chiến sĩ trung liên, tiểu liên, súng trường lưỡi lê, lựu đạn dũng cảm xông lên quần nhau ác liệt với địch, thọc sâu xông vào các ngả hầm, lô cốt đánh giáp lá cà với quyết tâm “chỉ tiến chứ không lùi!”.

Những chớp lửa lớn như sấm sét, kèm theo tiếng nổ long trời lở đất, bộ đội ta xông lên đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1. Chiến thắng ở cứ điểm đồi A1, sau đó là C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm.

15h ngày 7/5/1954, ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17h30 cùng ngày, tướng De Castries và toàn bộ quân Pháp bị bắt sống. Chiến dịch ÐBP toàn thắng.

Đại tá Lê Khắc Phấn (người đứng giữa) hiến tặng chiếc ba lô cho Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc Quân khu 1. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đại tá Lê Khắc Phấn (người đứng giữa) hiến tặng chiếc ba lô cho Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc Quân khu 1. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

70 năm qua, Đại tá Lê Khắc Phấn, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Quân nhu, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần luôn trân trọng, giữ gìn cẩn thận chiếc ba lô gắn bó với ông trong Chiến dịch ĐBP.

Đại tá Phấn kể, cuối 1953, khi đang hành quân lên Điện Biên, chiếc ba lô của ông không may bị lửa do bom địch rải xuống thiêu cháy. Ngay sau đó, ông được cấp một chiếc ba lô mới để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Với bộ đội chủ lực, mỗi người đeo ba lô nặng gần 40kg; bên trong đựng quần áo, chăn, màn; bên ngoài treo túi gạo, túi muối, cuốc…

Đại tá Phấn kể, trận tấn công Đồi A1 là trận khó khăn, kéo dài và thương vong nhất. Ngày 30/3, Trung đoàn 174 nổ súng tấn công vào cứ điểm phòng ngự của địch trên Đồi A1. Cuộc chiến đang diễn ra gay go, ác liệt thì trời đổ mưa lớn, nước chảy xối xả xuống hào. Ông kể: “Sau một đợt bắn, mỗi đội sẽ được nghỉ 30 phút để ăn cơm trong giao thông hào. Khi mở túi cơm chuẩn bị sẵn buộc bên hông quần, cơm ai cũng lấm lem bùn đất, phải gạt bớt bùn để ăn”.

Do vị trí đặc biệt quan trọng, Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh. Để tiếp cận được hầm ngầm địch, bộ đội ta đã đào khoảng 50m hầm ngầm xuyên đồi trong gần hai tuần.

Gần 40 ngày đêm, hai bên giành nhau từng tấc đất. Trong khi ta quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, tiêu diệt hoàn toàn thì địch liên tục phản kháng, quyết tâm giữ. Đêm ngày 6/5, gần 1.000kg thuốc nổ quân ta đưa vào được điểm hỏa. Vụ nổ đã thổi bay lô cốt địch phía trên, gây chấn động toàn tuyến phòng thủ của địch.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng kỷ vật và hồi ức vẫn vẹn nguyên. Sau này Đại tá Phấn đã hiến tặng chiếc ba lô cho Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc Quân khu 1 làm hiện vật trưng bày, để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Đoàn Thảo - Tuấn Anh

Đọc thêm