Vấn đề trên được nêu lên tại Diễn đàn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN) về "An toàn thực phẩm - Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau"do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam (GCNV) tổ chức hôm 20/9.
Cặp lồng cơm và nỗi lo an toàn thực phẩm
Từ nhiều tháng nay, cán bộ nhân viên của Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) có phong trào mang cặp lồng cơm đi ăn trưa. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, hình ảnh này gợi lại cho ông nhớ lại hình ảnh cặp lồng cơm treo trên ghi đông xe đạp thời bao cấp.
Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn thực phẩm, đây là điều đáng quan tâm. Theo ông, mối lo ngại về sức khỏe có liên quan đến an toàn thực phẩm đang đặt ra câu hỏi lớn cho toàn xã hội về “nhân tính” và “lòng tin”. “Sống là phải tin tưởng lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau. Tôi hy vọng mọi người cùng nâng cao nhận thức “thương người như thể thương thân” vì giống nòi dân tộc cũng như vì uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế…”, ông Vinh phát biểu.
Chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội UNIDO, ông Florian Beranek, một người có thân hình to cao quá khổ hài hước: “Nhìn tôi như thế này mới biết thực phẩm quan trọng với tôi như thế nào…”. Ông Florian Beranek cho biết đã sống ở Việt Nam 7 năm và “thức ăn ở Việt Nam không tệ”. Thế nhưng cũng như nhiều người tiêu dùng khác, ông cũng không thể biết những thứ mình ăn hàng ngày có an toàn hay không.
Theo ông, thực phẩm là một thứ rất đặc biệt, không có cái gì có vai trò quan trọng như thực phẩm bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người cũng như thế hệ con cháu mai sau. “Vì vậy, hàng ngày, hàng giờ, mỗi người trong chúng ta đều quan tâm đến vấn đề thực phẩm an toàn. Đó là câu hỏi về lòng tin khi mà đã đến lúc phát triển chuỗi giá trị phải song hành với phát triển chuỗi niềm tin…”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Giám đốc Công ty cổ phần Nông phẩm Công nghệ cao An Việt, ông Nguyễn Hữu Đạo cho rằng, trước đây chúng ta tập trung tăng lượng mà quên chất, đến giờ mới nhìn lại và nhận ra rằng “không ai chết vì đói mà chết vì ngộ độc” và bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch. Đến đây câu hỏi được đặt ra là: Làm thực phẩm sạch có khó không?
Có sự mâu thuẫn giữa nhà chuyển giao công nghệ và DN
Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, Việt Nam hiện có 20 loại rau mùa hè và khoảng 40 loại rau mùa đông, do vậy áp dụng công nghệ chung là rất khó. Nhưng vấn đề DN có tuân thủ hay không lại là chuyện khác. Theo ông đang có sự mâu thuẫn giữa nhà chuyển giao công nghệ và DN. “Đơn giản như nếu dùng bao bì công nghệ có thể bảo quản rau lâu hơn nhưng DN lại muốn rau ra siêu thị phải đẹp, đựng trong túi nylon trong suốt…”, ông Hiểu dẫn chứng.
Câu chuyện tăng chi phí khi áp dụng công nghệ cũng được đề cập tới song theo vị chuyên gia này, có những việc rất đơn giản, đã tập huấn nhưng sau “đâu lại vào đấy” như việc tống hết rau củ quả vào một kho chứa, trong khi cà chua để gần bắp cải thì sau 2 ngày bắp cải sẽ vàng hết… Hay ông cho biết, đích thân ông đã chứng kiến cảnh bà con thu hoạch cam rửa bằng nước rửa bát để có vỏ bóng đẹp…
“Chúng tôi khẳng định giải pháp về công nghệ, bao bì, bao gói có thể đáp được nhưng phải có sự “gặp nhau” nhiều hơn giữa nhà công nghệ và DN…”, ông Hiểu phát biểu.
Giám đốc Công ty An Việt, ông Nguyễn Hữu Đạo cũng khẳng định vai trò quan trọng của chuỗi hành động: DN hỗ trợ nông dân và sản phẩm làm ra phải có đầu ra. Đồng thời phải kéo người tiêu dùng cùng giám sát chất lượng. Vai trò của Nhà nước là phải có cơ chế quản lý để mớ rau, con cá đưa lên quầy kệ bán, để không phải mất lòng tin như bây giờ.
“Muốn thành công chống thực phẩm bản phải chung tay góp sức của DN, nhà nước, các nhà khoa học, đặc biệt là phải có vai trò của người tiêu dùng vì liên quan đến quyền lợi của họ. Hơn nữa phải thay đổi tư duy rằng DN lớn vào thay thế luôn việc sản xuất của nông dân”, ông Đạo chia sẻ.
Dưới góc độ bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, TS Đinh Thị Mỹ Loan nhận định xu hướng phát triển của siêu thị, trung tâm thương mại và nhấn mạnh vai trò của các nhà bán lẻ trong việc bảo đảm chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Cùng với đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ và cơ quan hỗ trợ về công nghệ và tiêu chuẩn cũng cần được quan tâm hơn nữa nhằm có được niềm tin của người tiêu dùng. Bà Loan cũng khẳng định, với một mạng lưới thành viên rộng khắp, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cam kết thực hiện có trách nhiệm vai trò kết nối các DN sản xuất – phân phối thực phẩm an toàn, chất lượng....
Việt Nam nằm trong nhóm có số lượng thủy sản bị từ chối nhập khẩu cao nhất Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc
Tại Diễn đàn, bà Hoàng Mai Vân Anh, cán bộ chương trình UNIDO cho biết: Việt Nam xếp trong 3 nhóm quốc gia có số lượng trường hợp sản phẩm thủy sản bị từ chối nhập khẩu cao nhất ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc. Thiệt hại về tài chính ước tính 14 triệu USD/năm.
Nguyên nhân chính khiến sản phẩm lô hàng bị từ chối ở cửa khẩu là do hàng bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng, chứa chất gây ô nhiễm, dán nhãn…Cụ thể, tại thị trường Liên Minh Châu Âu, Việt Nam có lô hàng bị từ chối cao nhất (chiếm 11,6%), sau đó đến Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Còn ở Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với tỷ lệ hàng bị từ chối là 14,2%. Ở thị trường Úc là 11,5%, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3. Còn ở Nhật Bản, tỷ lệ này lên tới 27,5% , Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các lô hàng bị trả về.