Nhất là khi trong những ngày cận Tết, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các đối tượng, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc,…
Thực phẩm Tết, đến hẹn lại lo
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết cổ truyền, thời điểm này tại các siêu thị, các chợ truyền thống các mặt hàng như thịt, hải sản, giò chả, bánh kẹo, mứt, rượu bia,... đã được các chủ kinh doanh bày bán la liệt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong số đó, có không ít sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Có lẽ, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi mà đi đâu họ cũng nhìn thấy, nghe thấy những chuyện liên quan đến thực phẩm bẩn.
Do đó, không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở Thủ đô trong những ngày Tết. Và rõ ràng lo lắng đó của họ là có cơ sở khi mà cận Tết, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị được tung ra phục vụ thị trường Tết.
Mới đây nhất, vào sáng 17/1, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 15, Chi cục QLTT Hà Nội và Công an phường Hoàng Văn Thụ bắt quả tang một cơ sở ở đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 4 nhân viên đang bơm tạp chất vào tôm.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở có khoảng 100 kg tôm chứa trong các thùng xốp đá, 1 thùng bột màu trắng là tạp chất để pha chế rồi bơm vào tôm. Tạp chất được xác định là một loại bột màu trắng, hòa vào nước đun sôi, để nguội cho đóng băng rồi bơm vào phần bụng của con tôm để làm cho tôm căng, mọng và tăng trọng lượng.
Trước đó, vào ngày 6/1/2018, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã thu giữ 1,3 tấn nội tạng động không rõ nguồn gốc. Chủ của lô hàng khai nhận số hàng trên thu mua ở Đồng Nai, đang tập kết ở Hà Nội để chuyển lên Cao Bằng tiêu thụ. Cùng trong ngày, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) kiểm tra cơ sở hộ kinh doanh Hoàng Hải tại địa chỉ số 43, khu liền kề 3, đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua; gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại cùng các vỏ hộp, nhãn mãc, máy móc đóng gói dập hạn sử dụng.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1/2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất và thu giữ số lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và sử dụng chất tẩy trắng.
Trong năm 2017, cả nước đã tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền phạt trên 61 tỷ đồng. Số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cứ tăng theo từng năm. Qua đó có thể thấy tình trạng mất ATTP đã tới mức báo động đỏ trong đời sống của người dân.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành Nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Mỗi lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu là thêm một lần người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin, thêm âu lo cho bữa ăn của gia đình.
Không thể đặt trọn niềm trông chờ vào lương tâm người sản xuất
Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng đấu tranh với các hành vi gian dối, sai phạm nghiêm trọng ATTP còn nhiều gian nan, bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc quản lý, thanh, kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, người dân chưa kiên quyết với việc phòng chống vi phạm ATTP, khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn có xu hướng gia tăng.
Đề cập đến công tác bảo đảm ATTP dịp Tết năm nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) dự báo, nhiều loại thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng gấp 10 lần so với ngày thường. Lượng hàng hóa trên thị trường khá lớn nên việc kiểm tra, kiểm soát khó khăn hơn. Dịp Tết, lượng thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng được bán kèm hàng hóa bình thường sẽ lớn hơn, nguy cơ mất ATTP cũng tăng. Thế nhưng, nhiều địa phương khá thờ ơ với việc thanh tra, kiểm tra ATTP, thậm chí dồn trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành.
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Thanh Phong còn cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm cũng gặp không ít khó khăn. Từng xảy ra chuyện đoàn liên ngành tới kiểm tra nhưng cơ sở sản xuất chốt cửa không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại sản xuất ở địa điểm nơi khác... nên rất khó khăn tiếp cận. “Khi các đoàn kiểm tra “ra quân”, nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là của lực lượng công an thì hiệu quả thanh tra, kiểm tra sẽ không cao”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới, mỗi người dân hãy lựa chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng tại những quầy bán thực phẩm uy tín an toàn. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm ATTP của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm ATTP. Có làm được như vậy thì mới có thể hy vọng điệp khúc an toàn vệ sinh thực phẩm đến hẹn lại... lo sẽ không lặp lại.