Ấn tượng của Chính phủ “kiến tạo, hành động”

(PLO) - 2017 là một năm đầy bận rộn của “Chính phủ kiến tạo, hành động”. Những thành công của đất nước trong phát triển kinh tế- xã hội như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tăng trưởng GDP đạt 6,81% là kết quả minh chứng rõ nét nhất.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần kiến tạo.

Minh chứng thuyết phục

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào cuối năm 2017, Báo cáo của Chính phủ được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày cho biết, tổng kết năm 2017, Chính phủ đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Không chỉ vậy, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho biết, Việt Nam năm 2018 xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017 (82/190 nền kinh tế). Đánh giá này WB khẳng định môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa kinh doanh của Việt Nam năm 2018 cải thiện rất nhiều so với vị trí thứ 82 trong năm 2017. Trong ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau 4 nước là Singapore (đứng vị trí thứ 2 thế giới về môi trường kinh doanh), Malaysia (vị trí 24), Thái Lan (vị trí 26) và Brunei Daruxalam(vị trí thứ 56). 

Theo báo cáo, khi khảo sát về việc doanh nghiệp có dự định tăng thêm đầu tư trong năm tới không thì câu trả lời của khá đông doanh nghiệp là “Có”, thể hiện niềm tin kinh doanh đang tăng lên. Gần đây nhất, đánh giá của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước mà các tập đoàn đa quốc gia muốn đầu tư nhất. Việc các công ty đa quốc gia tiếp tục nhắm tới Việt Nam cho thấy các cố gắng của chúng ta đang được ghi nhận và là cơ sở để chúng ta định hướng tới tương lai một cách vững tin hơn, cố gắng để thu hút những dự án đầu tư có chất lượng cao hơn.

Nói là làm

Quyết tâm của Chính phủ, với những giải pháp triển khai một cách tích cực, bền bỉ đã mang lại kết quả đáng ghi nhận trong năm 2017 đầy thách thức. Ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, Chính phủ đặt mục tiêu trở thành một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều chính sách, giải pháp thiết thực và những hành động quyết liệt đã và đang được triển khai.

Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu năm, việc triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (2017) và Nghị quyết 35 (2016) về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiếp tục được triển khai rốt ráo. Việc Bộ Công Thương bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), chiếm đến hơn một nửa số điều kiện mà Bộ này quản lý cũng đã chứng minh cho việc Chính phủ “nói là làm”. Trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiên phong trong việc thực hiện cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 91% nhóm sản phẩm hàng hóa do Bộ quản lý - tương ứng 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan, được chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Điều này giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày. 

Dưới chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành khác cũng không thể “ngồi yên”. Đầu tháng 12/2017, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 41,3% tổng số ĐKKD, đơn giản hóa 43,7% ĐKKD thuộc trách nhiệm của Bộ. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bỏ 34,2% ĐKKD và cắt giảm 56,5% thủ tục hành chính do mình quản lý. Việc tích cực xoá bỏ hơn 3.400 ĐKKD sẽ giúp môi trường kinh doanh ở Việt Nam minh bạch hơn, tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng ĐKKD để làm khó doanh nghiệp hoặc trục lợi.

Trong năm 2017, Chính phủ cũng quyết liệt trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong những ngày cuối cùng của năm 2017, Nhà nước đã hoàn thành việc thoái gần 60% vốn tại hãng bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco, với giá trị lên đến 4,8 tỷ đô la. Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hóa, bởi trong danh mục các DNNN thoái vốn nhà nước mới thực hiện được những cái tên như Sabeco, Vinamilk, còn Habeco, PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su sẽ lần lượt thoái vốn. Đây chính là hành động mạnh mẽ nhất cho cam kết Nhà nước không kinh doanh những gì tư nhân có thể thực hiện mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2: “Những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho làm”.

Tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa 

Dù những thành công trong năm 2017 được đánh giá là đã tạo đà và khí thế mới cho một năm 2018 tiếp tục khởi sắc. Nhưng nhìn nhận lại thì đâu đó, một số địa phương vẫn làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước…; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn… làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. “Đất lành chim đậu nhưng chim chưa kịp đậu” đã nhậu hết chim. Mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh; các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”- một đại biểu Quốc hội từng thốt lên như vậy.

Cùng với đó, vấn đề tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực suy thoái đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân ở một bộ phận cán bộ…

Nói về thể chế của nước ta, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng còn nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, chồng chéo với các văn bản khác, khó đi vào đời sống. Một số văn bản khác trói buộc, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và sức sáng tạo của nhân dân. Có cả những văn bản, doanh nghiệp và nhân dân kêu ca là thể hiện rõ sự trục lợi và lợi ích nhóm, ôm quyền và lợi ích về mình nhưng đẩy khó khăn, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở…

Điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc tới tại các hội nghị quan trọng và được người đứng đầu Chính phủ coi là mấu chốt của thành công, hoàn thành kế hoạch đề ra đó là vấn đề con người. “Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu cách làm việc của bộ máy, tái tạo văn hóa học hỏi, tinh thần cởi mở, năng lực sáng tạo và trách nhiệm cá nhân. Phải tái tạo môi trường làm việc, cải thiện môi trường thể chế để phát huy những cán bộ có năng lực tốt, tư duy tốt, kiến tạo lại niềm tin, sự tâm huyết vào thể chế, vào chế độ của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng bày tỏ sự sốt ruột khi thấy rõ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nghị quyết, chỉ đạo. Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra”. Do vậy, các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, đến các cơ sở là mọi cấp, mọi ngành phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, bước vào năm 2018, cần tận dụng đà phát triển của năm 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cho cả nhiệm kỳ. 

Năm 2018, với phương châm 10 chữ “vàng”: “Kỷ cương- Liêm chính- Hành động- Sáng tạo- Hiệu quả” Chính phủ cần tận dụng đà phát triển năm 2017, cải cách kinh tế sâu rộng, đạt và vượt những mục tiêu quan trọng. Trong đó, để đạt được chỉ tiêu đề ra là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%), trong đó: khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% (nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 5%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (công nghiệp 7,3%, xây dựng 9,2%); khu vực dịch vụ 7,4% thì vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh vẫn phải được đặt trước hết. 

Với những gì làm được trong năm vừa qua, chúng ta có quyền tin vào một năm 2018 với nhiều khởi sắc hơn, thành công hơn./.

Đọc thêm