Án tuyên không rõ, không khả thi cần kiến nghị thẳng

 Năm nào báo cáo của ngành Tư pháp cũng nêu một trong những lý do dẫn đến án tồn đọng là do án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi… Vấn đề này sẽ được khắc phục thế nào trong năm tới 2011? Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú.

Năm nào báo cáo của ngành Tư pháp cũng nêu một trong những lý do dẫn đến án tồn đọng là do án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi… Vấn đề này sẽ được khắc phục thế nào trong năm tới 2011? Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú.

- Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến án tồn đọng được ngành Tư pháp chỉ ra là do Tòa tuyên “nhầm”, tuyên không khả thi, theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

- Chúng tôi thừa nhận có chuyện án tuyên không rõ, tuyên thiếu khả thi. Nguyên nhân chủ yếu là các Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, thẩm vấn tại phiên tòa phiến diện, có sự nhầm lẫn, đặc biệt trong cách tính toán của các vụ án dân sự, do vậy đã tuyên không chính xác.

- Có ý kiến đặt vấn đề liệu có tiêu cực trong việc này?

- Tôi không dám khẳng định có hoặc không có tiêu cực.

- Theo quy định, khi Tòa tuyên không chính xác, Thi hành án có văn bản hỏi thì Tòa có trách nhiệm giải thích. Tuy nhiên, nhiều việc Tòa giải thích chậm hoặc không giải thích?

- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ cho phép đính chính trong hai trường hợp, còn lại phải thông qua giám đốc thẩm. Tôi thấy việc giải thích cũng không ổn lắm. Án đã tuyên rồi mà đi giải thích lại, cũng không phù hợp.

Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú

Cần nói thêm là trong năm 2010, TANDTC đã chỉ đạo Chánh án các tỉnh phối hợp với Thi hành án xem không chính xác ở những trường hợp nào, có trường hợp thì phải đính chính, nhưng cũng có trường hợp phải báo cáo lên TANDTC để xem xét giám đốc thẩm.

- Nhưng nếu giám đốc thẩm mà bị cải, sửa, hủy sẽ ảnh hưởng đến thi đua và đánh giá Thẩm phán, có phải vì thế việc báo cáo sẽ “dè dặt” hơn?

- Có thể khi phán ánh, Tòa án địa phương cũng sẽ có cái vướng. Tôi đề nghị những trường hợp vướng mắc, Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị thẳng lên TANDTC, chúng tôi sẽ rút hồ sơ lên xem xét.

- Thưa ông, cũng liên quan đến án tồn đọng, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đưa ra con số có đến hơn 81 ngàn việc chuyển giao bản án, quyết định… chưa kịp thời, dẫn đến chưa thể thi hành án, ông nhận xét thế nào? Có cách gì khắc phục?

- Thời hạn chuyển giao Luật đã quy định rõ rồi, nhưng có thể  thực tế thực hiện lại ngoài quy định đó.

Theo tôi, Tổng cục Thi hành án dân sự và Tòa Dân sự TANDTC có thể đề xuất xây dựng quy chế hợp tác. Trên cơ sở đó, Chánh án và Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố tiếp tục ngồi với nhau để ký Quy ước về chuyển giao bản án. Phải có cái đó thì về sau mới có căn cứ để kiểm điểm trách nhiệm.

Năm tới, TANDTC sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp, vì trong năm mới này, với việc Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, mảng theo dõi thi hành án hành chính được giao cho Bộ Tư pháp, chắc chắn công việc sẽ nhiều hơn.

- Cảm ơn ông.

Đối với những việc chưa thi hành được do án tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành dứt điểm khi chưa có giải thích hoặc đính chính của Tòa án, các cơ quan thi hành án cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp rà soát lại xem có đúng không và có báo cáo cụ thể để Tổng cục báo cáo Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị TANDTC chỉ đạo các Tòa án địa phương giải thích bản án, tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Những trường hợp đã nhận văn bản giải thích, đính chính sai sót của Tòa án thì phải ra quyết định tiếp tục để tổ chức thi hành vụ việc theo quy định.

(Nguồn: Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư Pháp)

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm