Angkor Wat và bí ẩn nền văn minh Đại Á

(PLO) -Angkor Wat là một quần thể ngôi đền đồ sộ, rộng lớn dựng bằng đá, tọa lạc ngay giữa một đô thị cổ đá, trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 1.000 năm. Phải chăng đang có một sức mạnh tâm linh vô thượng đang tồn tại ở một nơi như Angkor Wat? Những ngày xa xưa đó, Quốc vương Campuchia – những bậc tổ tiên đã cất công tạo dựng nên quần thể đền đài cổ đại Angkor – đã sống trong khu hoàng gia nằm bên phải của thủ đô Phnom Penh hôm nay. 
Quần thể Angkor Wat được xây dựng suốt 30 năm kể từ năm 1113
Quần thể Angkor Wat được xây dựng suốt 30 năm kể từ năm 1113

Giờ đây, Angkor Wat vẫn tiếp tục là kiến trúc tôn giáo bằng đá dựng đứng lớn nhất thế giới. Angkor Wat được xây dựng xuyên suốt 30 năm kể từ khi bắt đầu vào năm 1113, gồm cung điện hoàng gia, đền đài và cuối cùng là một lăng mộ dành làm nơi an giấc ngàn thu cho Thiên Vương (vua trời) cùng hàng trăm vương phi, thê thiếp.

Những tòa tháp hình 5 búp sen vô cùng nổi tiếng vẫn hiên ngang nhô cao trên đồng bằng của xứ Campuchia, là trung tâm của một trong những ngôi đền linh thiêng nhất từng có sự hiện diện của chính quốc vương. 

Một lần nữa, Angkor Wat lại được “tìm thấy” bởi người Tây dương vào khoảng năm 1860 khi nhà tự nhiên học Tin Lành người Pháp tên là Henri Mouhot đặt chân đến Campuchia. Suốt nhiều thế kỷ, Angkor Wat là “mỏ vàng” của bọn ăn trộm, nhiều tuyệt tác quý giá của nó hiện đang có mặt trong các bộ sưu tập trên khắp thế giới cũng như tại Bảo tàng quốc gia Campuchia. 

Quốc vương và các thê thiếp

Những ngôi đền đá tại Angkor Wat đã được bao phủ bởi những hình họa chạm khắc tinh xảo các nữ thần múa, bay và ca hát được gọi tên là Apsara, đặc biệt đáng chú ý hơn cả các nữ thần Devadatta. Các nữ thần này nhìn vào bạn từ mọi bức tường và các hàng cột.

Tác giả Kent Davis gần đây công bố rằng, có khoảng 1.850 hình họa phụ nữ được chạm khắc vào đá chỉ riêng ở Angkor Wat. Điều nên biết, Angkor từng là một đại đô thị của nữ nhân, quần thể các đền đài ở đây được cho là nhà ở của phụ nữ, khác với nơi sống của đức quốc vương với hàng trăm vợ và thê thiếp, nàng hầu và nô tỳ cùng các vũ công, nhạc công. 

Hoàng đế Suryavarman II, tức Xà Vương, người trị vì đế quốc Angkor từ năm 1113 đến năm 1145.
Hoàng đế Suryavarman II, tức Xà Vương, người trị vì đế quốc Angkor từ năm 1113 đến năm 1145. 

Cũng có giả thuyết nói rằng những hình họa ở Angkor Wat là chân dung thực sự của những người phụ nữ đang sống ngày hôm nay, mỗi người lại có một nét khác biệt và độc đáo riêng. Tất cả các khuôn mặt nữ nhân đều có nét hao hao giống với phụ nữ Khmer mà bạn có thể bắt gặp đâu đó trên các đường phố ở Siem Reap trong thế kỷ 21.

Trong suốt thời hoàng kim của đế chế Angkor – khi nơi này là trung tâm với dân số hơn 1 triệu người – quyền lực thống trị của quốc vương Campuchia đã trải dài qua những khu vực rộng lớn của Đông Nam Á, ôm trọn đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, Lào, Miến Điện (nay là Myanmar), Xiêm (nay là Thái Lan) và Mã Lai (Malaysia).

Lạ nhất là Angkor Wat đứng trơ trọi một mình, không có thành phố cổ nào to lớn đứng quanh nó, cũng không có tài liệu cho thấy có con người sinh sống ở Angkor Wat, do đó người ta quy cấu trúc đá cự thạch khổng lồ này duy nhất cho mục đích tôn giáo.

Những cấu trúc xây dựng ở Angkor Wat khắc họa nhiều hình tượng tôn giáo trông rất sống động và gợi cảm gồm chim thần, Bồ Tát, rắn thần. Rắn thần Naga hay Xà vương là vị thần bảo hộ đặc biệt của đế chế Angkor, mang 7, 9 hay 10 cái đầu.

Đến tận ngày hôm nay, người Khmer vẫn tin rằng địa điểm nơi xây dựng Angkor Wat chắc chắn đang tồn tại một số sức mạnh siêu phàm. Từng là một trung tâm uy quyền của hoàng gia, Angkor Wat trở thành nơi hành hương thiêng liêng cho các tín đồ Phật giáo khắp Campuchia trong nhiều thế kỷ cho đến khi rơi vào suy tàn và hoang phế. 

Đại công trình kỳ vĩ

Ai đã xây dựng nên Angkor Wat? Sử liệu nói rằng vua Suryavarman II là người đã hạ lệnh xây dựng Angkor Wat để thờ phụng Đấng bảo hộ Vishnu. Nhà vua được cho là hậu duệ của một gia đình Ấn Độ giáo dũng cảm với tài cầm quân để có thể xâm lược những vùng đất rộng lớn ở châu Á. 

Dự án xây dựng bao gồm đảo Java, nơi có một người họ hàng của nhà vua đã cho xây dựng ngôi đền khổng lồ Borobudur - một hình ảnh khác của núi thiêng Tu Di,  dù quy mô nhỏ hơn Angkor Wat. Hào quang của thời Angkor Wat khá ngắn ngủi, khi hoàn công vào năm 1150, Angkor đã bị đánh bại bởi Vương quốc Chăm vào năm 1177.

Những chạm khắc tuyệt đẹp ở Angkor Wat
Những chạm khắc tuyệt đẹp ở Angkor Wat 

Khi nhà thám hiểm Henri Mouhot hỏi dân địa phương làm cách nào mà xây dựng nên Angkor Wat thì ngay cả chính bản thân họ cũng mù tịt. Dân Angkor cho rằng Angkor Wat là do thiên tạo, một số khác cho rằng được tạo ra từ một phép thuật siêu nhiên (?!)

Sử gia Graham Hancock tin rằng Angkor Wat có tham chiếu đến chòm sao Thiên Long đã được người cổ nhìn thấy từ cách đây khoảng 12.000 năm. Nhiều người lại cho rằng ở Angkor Wat đang tồn tại một sự thông thái có nguồn gốc từ lục địa huyền bí Atlantis bởi vì nó cung cấp bằng chứng sắt đá rằng không hề tìm thấy dạng công nghệ tinh vi nào hay một phức hợp tân kỳ nào đó tương tự vào thời kỳ xa xưa đó ở Angkor.

Những người khác vẫn đang tự hỏi nếu Angkor Wat được xây dựng bởi một cuộc chạy đua của những người khổng lồ từ thời tiền sử thì phải chăng chính họ là đại diện hoàn hảo cho dân tộc Khmer? Thậm chí nhiều sinh viên học tại các đại học hàng đầu ở Campuchia hôm nay vẫn đinh ninh tin rằng họ là hậu duệ của người Khmer khổng lồ bởi ...chỉ có người khổng lồ mới có thể xây dựng lan can cho những cây cầu đá ở Angkor.

Đến Angkor Wat, người ta còn biết đến những câu tiên tri được khắc ngay trên các phiến đá, đại ý: “Một ngày nào đó, chúng ta lại cường thịnh như cũ”. Người phục hồi lại đế quốc Angkor là Jayavarman VII, chính là hậu duệ của người đã kiến tạo nên Angkor Wat.

Ngài đã dẫn dắt cả dân tộc Campuchia trong một thời gian ngắn, đã lãnh đạo Campuchia đánh bại cuộc xâm lược của quân Chăm vào năm 1181. Jayavarman VII không chỉ là nhà cai trị tối cao và là người đại diện cho Trời mà còn được xưng tụng là Bồ tát Tara (Bodhisattva Lokesvara), là sự kết hợp của nhiều thể loại tôn giáo đương thời của người Khmer. Sau khi hoàng đế Jayavarman VII băng hà vào năm 1218, đế quốc Khmer bắt đầu suy tàn dần...

Ankor Wat vẫn là viên ngọc huyền thoại, và người dân Khmer rất tự hào về nó. Những tác phẩm điêu khắc đá tròn 900 năm tuổi của Angkor Wat vẫn sống mãi. Angkor Wat không còn là trung tâm quyền lực của Campuchia hiện đại nhưng thủ đô mới Phnom Penh, cách Angkor Wat độ 315km về hướng Đông Nam, cũng có gốc rễ tâm linh bắt nguồn từ Angkor Wat.

Chòm sao Thiên Long được người Angkor cổ đại quan sát để xây dựng nên Angkor Wat
Chòm sao Thiên Long được người Angkor cổ đại quan sát để xây dựng nên Angkor Wat 

Thành phố này được sáng lập bởi một lão bà trong lúc đi tìm củi trong đống rác tràn tới trong một trận lũ lụt, và bà đã bổ khúc gỗ để rồi nhìn thấy trong ruột gỗ có 5 bức tượng huyền bí: 4 bức tượng Phật và 1 bức tượng Đấng bảo hộ Vishnu bằng đồng.

Khúc gỗ đến từ Angkor Wat, đã dạt tới Phnom Penh theo con lũ. Lão bà có tên là Penh, quyết định đặt 5 pho tượng lên một ngọn đồi (theo tiếng Khmer, đồi có nghĩa là Phnom) ngay trên khu đất của mình, chuyện này xảy ra vào năm 1372.

Thành phố Phnom Penh đã hình thành từ dạo đó và trở thành trái tim mới của vương quốc Khmer, vẫn giữ vẹn nguyên nguồn năng lượng tâm linh từ Angkor Wat. Quần thể đền thiêng Angkor Wat vẫn là điểm thờ cúng và hành hương, đem lại cho nước Campuchia nhiều tỷ USD.../.