Thủ tướng Anh David Cameron ngày 22/2 chính thức khởi động chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại EU, nhưng dư luận Anh vẫn tiếp tục chia rẽ…
Thỏa thuận đôi bên cùng có lợi nói trên khiến EU trút bớt được gánh nặng áp lực về nguy cơ liên minh này sụp đổ, trong khi Anh cũng sẽ tránh được kịch bản tồi tệ về kinh tế một khi “dứt áo ra đi”.
Nhất trí giữ Anh ở lại
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là “gay cấn đến phút chót” này, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk thông báo thỏa thuận nhằm giữ Anh ở lại EU đã nhận được sự ủng hộ của tất cả 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên trong Liên minh. Ông Tusk viết trên trang mạng Twitter: “Đã xong. Tất cả đều ủng hộ giải pháp mới cho vấn đề Anh ở lại EU”.
Để đạt được thỏa thuận nói trên, các nhà lãnh đạo châu Âu phải liên tiếp tiến hành các cuộc thương lượng marathon trong suốt hai ngày. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã tiến hành một loạt cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka để tìm tiếng nói chung cho vấn đề giữ Anh ở lại EU.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Anh đã tìm kiếm thỏa thuận mà theo đó không nước thành viên EU nào ngoài Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể phủ quyết các quyết định chung của khối liên quan đến thỏa thuận với Anh; đồng thời tạo điều kiện để thỏa thuận này giúp chính phủ của Thủ tướng David Cameron ngăn được việc đa số người dân bỏ phiếu đồng ý để nước này rời EU, tại cuộc trưng cầu ý dân dự kiến tiến hành vào cuối tháng 6 tới.
Trên thực tế, cả EU và Anh đều chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau để đạt được thỏa thuận quan trọng nêu trên. Các nước thành viên EU đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu cải cách mà Anh đặt ra, gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ khu Tài chính London cũng như “miễn trừ” cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết”.
Ngược lại, trước sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác (như Hungary, Slovakia), Thủ tướng David Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ.
Cụ thể, ý định của Anh đóng băng phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong bốn năm đầu làm việc ở nước này sẽ thực hiện trong thời hạn bảy năm và chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh.
Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng D.Cameron tuyên bố gói cải cách tổng thể trên sẽ mang đến cho Anh “những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới”, đảm bảo cách tiếp cận công bằng thị trường chung và Anh cũng không bị ràng buộc bởi sứ mệnh liên minh chặt chẽ hơn. Ông Cameron cũng cho biết, ông từ lâu vẫn ủng hộ tư cách thành viên EU chừng nào mà Liên minh này cải cách, đồng thời khẳng định sẽ vận động với cả “trái tim và tinh thần” để Anh ở lại EU.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, Anh cần EU và EU cũng cần Anh. EU sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng vì lợi ích chung, để chứng tỏ sự đoàn kết. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đánh giá thỏa thuận trên là công bằng cho cả Anh và các nước thành viên EU khác. Ông Juncker cho rằng thỏa thuận này không làm sâu thêm các rạn nứt trong Liên minh mà là xây dựng các cầu nối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, thoả thuận đạt được là công bằng, cho phép Thủ tướng Anh David Cameron triển khai các biện pháp nhằm giữ chân nước này trong EU. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh thoả thuận đạt được sau tiến trình đàm phán kéo dài đảm bảo để Anh ở lại EU.
Bà Merkel đề cao giá trị cao cả của Quy chế thành viên EU, đặc biệt trong giai đoạn bất ổn hiện nay trên thế giới. Theo Thủ tướng Đức, những cải cách mới là bằng chứng cho thấy những mong muốn thay đổi của Anh đối với EU sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn cho nhiều nước EU.
Là đất nước có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi liên quan phúc lợi trong thỏa thuận Anh - EU vì có rất đông công dân Ba Lan đang làm việc tại Anh, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo vẫn cho rằng “thỏa thuận vừa đạt được là tin tức tốt lành cho châu Âu”. Thủ tướng Italia Matteo Renzi bày tỏ hài lòng vì hội nghị đã kết thúc với một thỏa thuận. Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Enda Kenny cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Anh nên ở lại EU.
Cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục duy trì tư cách thành viên của Anh trong EU hay không sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới |
Còn nhiều thách thức
Giới phân tích cho rằng, việc Anh không rời “mái nhà chung” châu Âu sẽ giúp EU giảm bớt một mối lo lớn, trong bối cảnh Liên minh này đang phải cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng. Trước khi đạt được thỏa thuận này, Tổng thống Ba Lan A.Đu-đa đã cảnh báo EU sẽ phải đối mặt nguy cơ sụp đổ nếu kịch bản Brexit xảy ra.
Với Anh, đây cũng là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, bởi nếu rời “mái nhà chung” châu Âu, “xứ sở sương mù” cũng phải đối phó với những hậu quả khôn lường. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tháo chạy khỏi Anh và quốc đảo này sẽ rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế Mỹ còn nhận định, một khi xảy ra “cú sốc Brexit”, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh chỉ còn 1% và giá cổ phiếu của nước này sẽ “bốc hơi” tới 20%...
Mặc dù Anh và EU đã đạt được thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử nêu trên nhưng giới phân tích cho rằng, cả hai bên đều sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trước mắt. Với Anh, dù chính phủ có trong tay “bảo bối” là thỏa thuận cải cách với EU để ngăn việc nước này “một mình một đường” thì xã hội Anh hiện vẫn đang bị chia rẽ bởi nhiều người dân vẫn phản đối việc ở lại EU.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến mới nhất được đăng tải trên tờ “Mail on Sunday” số ra ngày 21/2, có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại. Bên cạnh đó, có tới 19% số người được hỏi chưa có sự lựa chọn cuối cùng.
Trong khi đó, với EU, thỏa thuận này chỉ là bước đầu nhằm thực thi những cải cách EU theo đề xuất của Anh. Điều quan trọng hơn là EU phải tiến hành những cải cách thành công để duy trì sự phát triển, thống nhất và bảo đảm tính hấp dẫn của khối để các thành viên như Anh không cảm thấy việc tham gia EU là một gánh nặng.
Truyền thông Đức đánh giá, các bước tiếp theo của việc cải cách còn rất nhiều rào cản, vì ngay cả khi cử tri Anh ủng hộ nước này ở lại EU thì việc thực thi cải cách là rất khó khăn, như vấn đề gắn kết chặt chẽ hơn của EU hay việc nâng cao các quy định về cạnh tranh…
Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, tuy EU và Anh đã trút bỏ được một phần gánh nặng áp lực từ nguy cơ Brexit nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình” và chặng đường hợp tác, phát triển phía trước của cả hai bên vẫn còn không ít gian nan.
Dư luận Anh vẫn chia rẽ
Trong bối cảnh Thủ tướng Anh David Cameron ngày 22/2 chính thức khởi động chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại EU, dư luận Anh vẫn tiếp tục chia rẽ xung quanh vấn đề này.
Ngày 21/2, Thị trưởng London Boris Johnson đã quyết định ủng hộ chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU sau khi London đạt được thỏa thuận cải cách với các đối tác EU nhằm giữ Anh ở lại “ ngôi nhà chung” tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ). Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày ngay tại nhà riêng ở phía Bắc London, ông Johnson cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit).
Dù đánh giá cao những nỗ lực “phi thường” của đương kim Thủ tướng David Cameron, Thị trưởng Johnson - một người bạn cũ, một thành viên thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là ứng cử viên sáng giá thay thế ông Cameron trong nhiệm kỳ tới - tuyên bố ông ủng hộ mối liên hệ trên cơ sở “thương mại và hợp tác” chứ không phải như một “dự án chính trị”.
Trả lời trên tờ thời báo uy tín ở “xứ sở sương mù” Telegraph, ông Johnson cho rằng dự án EU đã bị biến thể và phát triển theo một cách khó xác định so với mục tiêu ban đầu và việc muốn rời khỏi Liên minh không thể bị coi là “bài ngoại”. Ông cũng cho rằng EU đang xâm nhập quá sâu vào từng ngóc ngách chính trị của các vùng và các quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới là cơ hội duy nhất để thay đổi quan hệ giữa Anh và EU.
Tuyên bố mới của ông Johnson được cho là lợi thế đối với chiến dịch vận động “Brexit” bởi ông là một chính trị gia được lòng công chúng, thậm chí với cả những người không có cùng quan điểm chính trị. Giới phân tích cho rằng, quyết định của ông Johnson là điều mà Thủ tướng Anh không hề mong đợi bởi trước đó, khi trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Cameron đã lên tiếng thuyết phục riêng Thị trưởng London.
Trong khi đó, lãnh đạo của một nửa trong tổng số 100 tập đoàn lớn nhất của Anh cùng ngày tuyên bố muốn London tiếp tục là thành viên EU, đồng thời khẳng định sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng bằng hành động cụ thể trong tuần này.
Theo tạp chí Finacial Time (Thời báo Tài chính) của Anh số ra ngày 22/2, tại thời điểm hiện nay, Văn phòng của Thủ tướng Cameron đã nhận được sự ủng hộ của gần 50 trong số 100 tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Dầu khí BP và Shell, Công ty khai thác mỏ Rio Tinto, Tập đoàn Viễn thông Vodafone và BT, Tập đoàn Quốc phòng BAE Systems, Ngân hàng HSBC. Finacial Time nêu rõ vào ngày 23/2, nhóm các nhà lãnh đạo này công bố bức thư ngỏ chung, trong đó tuyên bố rằng nước Anh “hùng mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn” trong một EU đã được cải cách.
Trước đó, ngay sau khi Thủ tướng Cameron cho biết cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục duy trì tư cách thành viên của Anh trong EU hay không sẽ diễn ra vào ngày 23/6 tới, một loạt bộ trưởng thân cận với Thủ tướng Anh, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, lại tuyên bố sẽ vận động chiến dịch để Anh rời khỏi EU...