'Ảo ảnh' giữa đời thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyện khó tin đã xảy ra tại một Tòa án huyện thuộc tỉnh Đắk Nông: 57 hồ sơ vụ án được các thẩm phán ở đây tạo ra, đơn giản vì lấy thành tích, vì án ở đây quá ít. Câu "nhàn rỗi sinh nông nỗi" lại đúng với những người tạo ra án ảo này.

Tuy đã xảy ra từ 5 năm trước nhưng việc phát hiện và xử lý mới đây cũng thể hiện phần nào sự trung thực trong quản lý cán bộ. Nhìn sang các lĩnh vực khác, cũng có nhiều việc tạo ra các giá trị ảo vẫn hàng ngày được tạo ra.

Ví dụ ở ngành Giáo dục với một số chứng chỉ, chứng nhận mà giáo viên buộc phải có khi hành nghề. Những chứng chỉ đó gần như không giá trị thực tế nhưng nhiều người tìm mọi cách để có nó kể cả việc mua bán, cho đủ “tiêu chuẩn”, rồi để đó, không hề giúp cho tình trạng giáo dục được cải thiện hoặc nâng cao chất lượng giáo viên.

Một thứ ảo khác là những thứ “thần dược” được quảng cáo với sự tham gia tích cực của một số nghệ sỹ tiếng tăm. Họ quảng cáo cho các loại “thuốc ảo” này để lấy tiền thật từ các nhãn hàng. Kết cục của các thần dược ảo diệu đó là người bệnh “tiền mất, tật mang”.

Còn những thứ ảo khác có thể dễ dàng tìm thấy trong các bản báo cáo thành tích, các con số thống kê, số lượng thiệt hại do thiên tai lũ lụt, các khoản tài trợ, ủng hộ, các cuộc bán đấu giá làm từ thiện... và cả những kết quả điều tra xã hội học, những liệt kê trong kết quả nghiên cứu vốn cần sự trung thực.

Những cái đó tạo nên những giá trị ảo kể cả về chức danh học hàm, học vị và bậc thang nhân cách con người. Sự ảo tưởng không chỉ mang lại thất vọng ê chề mà nó còn gây hại khi sản sinh ra những “hội chứng lên đồng tập thể” hoặc những “fan cuồng”, những thần tượng không có thực, chi phối đến cách ứng xử của một bộ phận cộng đồng, dẫn đến những u mê, lạc lối!

Đọc thêm